Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 tỉnh đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 7.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 100.000 tỷ đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 6,2%/năm.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội, phấn đấu tuổi thọ trung bình người dân đạt 74,5 tuổi; số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 25% so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) giảm bình quân trên 4%/năm; trên 78% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; công nhận 2 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Văn Yên và huyện Yên Bình), thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành xây dựng NTM.
Định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt trên 8%; tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt gần 8%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 90 triệu đồng; 5/7 huyện đạt chuẩn NTM.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: để thực hiện được mục tiêu quan trọng đó, tỉnh xác định 3 đột phá chiến lược và 7 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để đưa Yên Bái tăng tốc, phát triển trong giai đoạn tới. Trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tiếp tục đổi mới tư duy đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường.
Quán triệt sâu sắc quan điểm triết lý phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc vào từng chủ trương, quy hoạch, kế hoạch và chính sách của tỉnh; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững, hài hòa, hợp lý giữa các vùng, miền, các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo đảm phát triển bao trùm và hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường vì mục tiêu lấy con người là trung tâm vừa là chủ thể, động lực của sự phát triển, thiết thực đem lại sự hài lòng và lợi ích cho người dân về chất lượng cuộc sống, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.
Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững.
Đặc biệt là đối với vùng cao, bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm chủ lực, ưu tiên những sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP như: lúa nếp Tú Lệ, huyện Văn Chấn; sơn tra ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu; chè shan hữu cơ tại Suối Giàng, Nậm Mười, Sùng Đô, huyện Văn Chấn; lợn bản địa ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên; vịt bầu Lâm Thượng, huyện Lục Yên...
Với vùng thấp, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực như: quế ở huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình; tre măng Bát độ tại các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn... Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 4,5%/năm; giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác nông nghiệp tập trung tăng lên 150 triệu đồng/ha.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng tập trung quy mô lớn, nâng giá trị thu nhập bình quân trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt 300 triệu đồng/ha/năm; nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 30% năm 2025.
Tỉnh cũng xác định lâm nghiệp là thế mạnh, là khâu đột phá trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu: kinh tế - xã hội - môi trường; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp lên 37% vào năm 2025; đến năm 2025 có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn; tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM toàn diện, đồng bộ, vững chắc.
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của 76 xã đã đạt chuẩn gắn với đô thị hóa nông thôn; phấn đấu đến năm 2025, có thêm 46 xã đạt chuẩn NTM, huyện Văn Yên, huyện Yên Bình đạt tiêu chí huyện NTM, thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cơ cấu lại ngành công nghiệp, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản dưới 7% bảo đảm tiêu chuẩn môi trường; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 9%/năm, đóng góp khoảng 25% GRDP trên địa bàn.
Chú trọng phát triển mạnh dịch vụ, thương mại; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh phát huy lợi thế trong mối liên kết vùng, liên vùng và đối tác hợp tác trong tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để thu hút các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đến năm 2025 đạt 30.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 500 triệu USD.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả lĩnh vực văn hóa, xã hội và phát triển con người phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Bước vào nhiệm kỳ mới, cùng với cả nước, tỉnh Yên Bái đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới của sự phát triển, chắc chắn rằng, với truyền thống đoàn kết của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy, khơi dậy ý chí khát vọng phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho giai đoạn 2020 - 2025, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Đức Toàn