Xã Việt Cường có diện tích đất lâm nghiệp gần 3.200 ha, trong đó hơn 500 ha đất rừng tự nhiên, còn lại là 2.700 ha đất rừng sản xuất. Ông Hoàng Anh Thắm - Chủ tịch UBND xã Việt Cường cho biết: "Xã đã có nhiều mô hình kinh tế đồi rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, nhân dân khai thác khoảng 300 ha rừng, sản lượng gần 20.000 m3 gỗ tròn, thu nhập hơn 20 tỷ đồng. Hiện nay, xã có 17 cơ sở chế biến gỗ, hoạt động chủ yếu là cơ sở gỗ ván bóc, gỗ xẻ và đồ mộc dân dụng. Mỗi cơ sở này tạo việc làm thường xuyên cho từ 7 - 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng”.
Lương Thịnh là một trong những xã đi đầu của huyện Trấn Yên về phong trào trồng rừng gắn với chế biến gỗ. Xã có đất quy hoạch rừng sản xuất hơn 5.300 ha. Để phát huy thế mạnh từ rừng, Lương Thịnh đã xây dựng vùng trồng và định hướng đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như quế, tre măng Bát độ, keo, cây dược liệu, cây ăn quả... vào sản xuất.
Ông Triệu Khánh Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của xã đã được người dân trồng rừng kinh tế. Mỗi năm, nhân dân trồng mới 300 ha. Hiện nay, xã có hơn 2.500 ha keo, hơn 1.300 ha bồ đề, 1.721 ha quế, hơn 300 ha tre măng Bát độ... Ngoài ra, còn có hơn 60 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 3 doanh nghiệp tư nhân và 1 công ty chế biến gỗ. Các doanh nghiệp và cơ sở chế biến đã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động thường xuyên”.
Trấn Yên có diện tích đất lâm nghiệp hơn 44.000 ha. Trấn Yên đã từng bước quy hoạch các vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa, chuyên canh theo mục đích sử dụng đất lâm nghiệp của mỗi loại rừng. Chính vì vậy, trồng rừng sản xuất đã thành phong trào phát triển rộng lớn, nhiều hộ gia đình đã chủ động chuyển từ sản xuất nương rẫy trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng.
Các cơ quan chuyên môn của huyện đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, triển khai các mô hình canh tác bền vững, hiệu quả; tập trung vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loài cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện sinh thái và sản xuất.
Hàng năm, toàn huyện khai thác và chế biến trên 100.000 m3 gỗ, giá trị đạt trên 150 tỷ đồng, trồng mới và trồng thay thế trên 2.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%. Đặc biệt, những năm gần đây, huyện tập trung nâng cao các biện pháp quản lý kinh doanh rừng trồng, tiến tới đạt tiêu chuẩn và được cấp Giấy chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC - FM).
Hiện nay, huyện đã triển khai thực hiện quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC tại các xã: Y Can, Quy Mông, Việt Cường và Lương Thịnh. Đây là phương thức rất hiệu quả vì trên thị trường giá 1 m3 gỗ có chứng nhận FSC - FM thường cao hơn từ 25 - 35% giá gỗ cùng loại và cùng chất lượng vì sản phẩm có thể xuất khẩu sang các nước tiên tiến.
Cùng với phát triển rừng, Trấn Yên chú trọng thu hút đầu tư vào sản xuất chế biến sản phẩm gỗ chất lượng cao, quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhằm phát huy tối đa tiềm năng và nâng cao giá trị của kinh tế rừng.
Hiện tại, huyện có 287 đơn vị, cơ sở đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản, sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất đồ mộc dân dụng (trong đó có 41 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 242 hộ sản xuất kinh doanh).
Trong số đó, Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa (xã Báo Đáp) chuyên sản phẩm ván ghép thanh; Công ty TNHH Doanh Mùi (xã Hưng Thịnh) sản xuất gỗ ván ép. Một số sản phẩm chủ yếu được sản xuất trên địa bàn huyện là ván ghép thanh, gỗ bao bì, gỗ ván bóc, ván dán Ô kan…
Đặc biệt, năm 2020, trên địa bàn xã Minh Quân (Trấn Yên) đã khởi công 2 dự án của Công ty TNHH Một thành viên An Việt Phát là Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu với diện tích 8,5 ha, công suất ổn định 150.000 tấn/năm; dự án nhà máy cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu PLYWOOD với diện tích 6,7 ha, công suất ổn định hơn 56.000 tấn/năm, tương đương hơn 80.200 m3/năm.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XXII xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm. Do đó, huyện xây dựng kế hoạch tiếp tục trồng mới và trồng thay thế diện tích tre măng Bát độ già cỗi với diện tích 500 ha, phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu tre măng Bát độ theo hướng bền vững gắn với phát triển chuỗi liên kết giá trị.
Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất tập trung tại các xã: Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh với diện tích 4.000 ha. Ngoài ra, huyện xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu quế hơn 16.000 ha, trong đó diện tích quế an toàn theo hướng hữu cơ đạt 10.000 ha gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, Trấn Yên lựa chọn phát triển lâm nghiệp là khâu đột phá, xây dựng rừng cây gỗ lớn tập trung trên 5.500 ha. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện việc liên kết xây dựng vùng gỗ nguyên liệu và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC - FM) giữa các nhóm hộ trồng rừng tại các xã trên địa bàn huyện với diện tích 12.000 ha; tiếp tục thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến lâm sản chất lượng cao, phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ có giá trị, chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; duy trì tỷ lệ che phủ rừng 70%.
Anh Dũng