''Làm từ thiện phải có văn hoá, đừng mang danh để đánh bóng tên tuổi''

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/11/2020 | 2:45:06 PM

“Của cho không bằng cách cho, văn hóa từ thiện cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không có cảm giác được ban ơn, bố thí”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu nói.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu

"Văn hoá từ thiện” là một trong những nội dung được Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu đề cập khi thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội tại Quốc hội sáng nay (5/11).

Theo bà Thu, những ngày gần đây, cụm từ "văn hoá từ thiện" được nhắc nhiều trên báo chí và mạng xã hội với những ý kiến trái chiều khi một hoạt động từ thiện đã là văn hóa cao và thước đo văn minh của cá nhân, tổ chức và đất nước.

Nữ ĐB cho hay, đại dịch Covid-19 rồi, thảm họa thiên tai miền Trung đã khơi dậy trong cộng đồng tình dân tộc, nghĩa đồng bào với nhiều hành động đáng quý, đáng trân trọng.

Phong trào "người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” được dấy lên trong giai đoạn cả nước chống dịch để hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu và người dân phải cách ly, hay người bị mất việc làm, để họ không bị đói ăn đứt bữa.

Ở đâu cũng thấy hoạt động nhân đạo từ thiện, từ Chính phủ đón công dân đang bị kẹt ở nước ngoài về nước, quân đội đón người cách ly.

Nhân dân cả nước cũng đã chung tay giúp người dân miền Trung vượt qua khó khăn trong thảm họa thiên tai ở miền Trung với thiệt hại nặng nề về người và của. Nhiều cơ quan, tổ chức đến với vùng thiên tai chung tay góp sức sẻ chia khó khăn, đã để lại hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.

"Nhưng làm từ thiện cũng cần phải có văn hóa, văn hóa từ thiện. Đừng mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi, phô trương đạo đức.

Nhiều người mang quần áo không còn dùng được hoặc đã lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ, đồ ăn hết hạn sử dụng để cho người nghèo, làm tổn thương họ vì họ là người giàu lòng tự trọng và dễ bị tổn thương”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bày tỏ.

Bà chia sẻ "của cho không bằng cách cho, văn hóa từ thiện cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không có cảm giác được ban ơn, bố thí. Nhận làm sao để người cho cảm thấy vui và hạnh phúc”.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, vừa qua, Hệ tri thức Việt số hóa đã giúp Hội Chữ thập đỏ xây dựng iNhandao để kết nối các địa chỉ cần cứu trợ nhân đạo, để người cho biết những gì họ cần.

Bà kiến nghị cần ứng dụng công nghệ thông tin để công tác thiện nguyện ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, chuyên nghiệp, nhân văn hơn.

Cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình cứu trợ

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định 64 về tiếp nhận, sử dụng phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để phù hợp với tình hình mới, đảm bảo thuận tiện cho cá nhân, tổ chức tham gia và ngăn chặn lợi dụng cứu trợ để trục lợi.

"Cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình cứu trợ cho từng nhóm tham gia cứu trợ. Bước nào cá nhân, tổ chức được quyết, bước nào thì cần có sự tham gia của nhà chức trách địa phương để tránh cứu trợ tự phát như thời gian vừa qua vừa nguy hiểm, không hiệu quả, lãng phí công sức, không công bằng, minh bạch”, bà Thu nói.

Bà chia sẻ thêm, Hội đã xây dựng quy trình 8 bước để cứu trợ khi xảy ra thảm họa, thiên tai theo hướng dẫn của Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Đồng thời sẵn sàng phối hợp với các địa phương phổ biến quy trình này, đảm bảo cứu trợ nhanh nhạy, hiệu quả và đảm bảo công khai, minh bạch, đồng thuận do có sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng nhắc lại tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân, tinh thần dân tộc hết sức quý giá trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, lũ lụt.

Theo ông, trong năm đặc biệt 2020 với dịch bệnh và thiên tai chưa từng có, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức kịp thời. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội để ứng phó Covid-19, được người dân chấp hành hết sức nghiêm túc; Thủ tướng cũng yêu cầu sửa ngay Nghị định 64 về ủng hộ, từ thiện trong thiên tai, bão lũ... Đây là những bài học quý báu cần được rút ra. 

ĐB Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho rằng, cần có một cuộc tổng kết, rút kinh nghiệm về đợt lũ năm nay một cách toàn diện. Ông kiến nghị thay thế Nghị định 64 về việc vận động, phân phối, tiếp nhận các nguồn đóng góp sao cho phù hợp với thực tiễn.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác

Sáng 5/11, đồng chí Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy đã dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 11 tại Chi bộ Tổ dân phố số 2, Đảng bộ phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.

Đại biểu Quốc hội tại hội trường.

Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục ngày thứ ba thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, trong đó đề xuất giải pháp đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Ban Biên tập Báo Yên Bái thực hiện nghi thức kích hoạt ra mắt trang Tiếng Anh trên báo Yên Bái điện tử.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương cho ra báo địa phương, ngày 5/11/1962, Báo Yên Bái - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Yên Bái xuất bản số đầu tiên. Dũng cảm trong thời chiến, sáng tạo trong thời bình Báo Yên Bái không ngừng "Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”.

Bưởi Đại Minh là một trong những đặc sản giới thiệu tại Hội chợ Thương mại và Du lịch huyện Yên Bình năm 2020.

Thiết thực chào mừng thành công Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, hướng tới Đại hội XIII của Đảng, huyện Yên Bình tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19; đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao theo Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy; từng bước hiện thực hóa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục