Chắc chắn ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2020
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4-2020, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã họp, đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thêm thẩm quyền ban hành. Trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020, Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ban hành.
Vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng được Bộ quan tâm lồng ghép trong bộ quy tắc ứng xử với các quy định yêu cầu người sử dụng mạng và nhà cung cấp hướng dẫn trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng an toàn, lành mạnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng. Đề án đã đưa ra giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chủ động ngăn, gỡ bỏ nội dung xấu, độc hại trên môi trường mạng; trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, kỹ năng để trẻ có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng. Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn sẽ ban hành trong năm 2020.
Sẽ có sàn giao dịch điện tử để người dân vùng sâu, vùng xa bán nải chuối, quả cam
Trả lời đại biểu về nội dung chuyển đổi số cho người dân khu vực miền núi, trong đề án chuyển đổi số được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên vì với chuyển đổi số, chỗ nào càng khó khăn, chỗ đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả. Chuyển đổi số nên bắt đầu từ nơi khó.
Về hạ tầng viễn thông, Bộ đang chỉ đạo phải phủ sóng để cho tất cả người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G truy cập internet. Về hạ tầng thanh toán điện tử, trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cho thí điểm ứng dụng "Mobile money” để người dân không có thẻ ngân hàng có thể thanh toán điện tử được. Với người dân vùng sâu, vùng xa có khó khăn là không có điện thoại thông minh, hiện đã có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà mạng Việt Nam để bán điện thoại cho người dân với giá 600.000 – 700.000 đồng.
Chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa sẽ ưu tiên về giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa và thương mại điện tử; sẽ có sàn giao dịch để người dân bán được nải chuối, quả cam. Bộ đã triển khai thí điểm và cuối năm 2020 sẽ sơ kết mô hình xã thông minh.
Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày thứ hai
Sáng 9-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cuối giờ sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ trả lời một số chất vấn của đại biểu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên (6-11), có 48 đại biểu đặt câu hỏi, 43 đại biểu được các thành viên Chính phủ và các cơ quan trả lời trực tiếp; còn 5 đại biểu đặt câu hỏi cuối giờ sẽ được trả lời trong hôm nay.
Cũng trong ngày 6-11, đã có 17 đại biểu tranh luận về nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung vào các lĩnh vực: Tư pháp, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông, nội vụ, giáo dục; nhiều nội dung gắn với vấn đề đang được xã hội quan tâm. Các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và 12 bộ trưởng đã trả lời hầu hết các câu hỏi đặt ra và giải trình thêm các vấn đề thuộc lĩnh vực điều hành của mình.
Dự kiến cuối giờ sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời các chất vấn được đại biểu đặt ra trong ngày đầu tiên. Cuối giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng sẽ tiếp tục đăng đàn làm rõ một số nội dung.
(Theo HNMO)