Hệ thống thể chế, chính sách minh bạch sẽ thúc đẩy nỗ lực đổi mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/11/2020 | 2:10:44 PM

Bên hành lang nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã có những chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam với nhiều quan điểm thú vị.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đánh giá về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng năng lượng sáng tạo của người Việt Nam, của nền kinh tế Việt Nam là vô tận.

Tuy nhiên, theo đại biểu này, "nút thắt” cần tháo gỡ là làm sao để hệ thống thể chế thúc đẩy và giải phóng được những nỗ lực sáng tạo, thì khi đó Việt Nam mới có thể ghi thêm dấu ấn mới trong nền kinh tế thế giới.

Bên hành lang nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Vũ Tiến Lộc đã có những chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam.

Đổi mới chính sách để thúc đẩy sáng tạo

- Thưa đại biểu, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá rất cao, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Trước hết tôi muốn nói rằng, bản thân con người Việt Nam, lực lượng trẻ Việt Nam đã là một nguồn lực, nguồn năng lượng rất lớn cho đổi mới sáng tạo. Chính cuộc cách mạng của chúng ta, sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta đã là điển hình của sáng tạo.

Vấn đề là làm sao khơi dậy được sự sáng tạo đó và quan trọng nhất làm cho những ý tưởng sáng tạo, giải pháp sáng tạo, đổi mới sáng tạo có thể đi vào thực tiễn. Như vậy cần phải đổi mới về thể chế chính sách, để thúc đẩy những sáng tạo này.

Tôi nghĩ năng lượng sáng tạo của người Việt Nam, của nền kinh tế Việt Nam là vô tận. Nhưng khi hệ thống thể chế, quy định thúc đẩy và giải phóng được những nỗ lực sáng tạo thì Việt Nam mới có thể ghi thêm dấu ấn mới trong nền kinh tế thế giới.

- Như đại biểu từng chia sẻ, chuyển đổi số được coi là một trong những điểm mạnh, kỳ tích của Việt Nam, đại biểu có thể nói kỹ hơn về điều này?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Chuyển đổi số đang là yêu cầu rất quan trọng của mọi nền kinh tế và đó chính là động lực tăng trưởng của Việt Nam. Chúng ta đi sau các nước nên có dư địa lớn cho đổi mới sáng tạo. Hiện Việt Nam đang là điển hình thành công trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như chuyển đổi số.

Tôi hy vọng trong thời gian tới, hệ thống thể chế, chính sách Việt Nam sẽ minh bạch hơn nữa để khuyến khích cạnh tranh để thúc đẩy những nỗ lực đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số.

Khi môi trường kinh doanh không dựa trên quan hệ, không dựa trên cơ chế "xin-cho” thì chắc chắn sẽ dựa vào nỗ lực đổi mới, sáng tạo. Chuyển đổi số là nền tảng rất quan trọng cho một nền kinh tế đổi mới, sáng tạo, nền kinh tế internet.

Tố chất của con người Việt Nam rất thích hợp với yêu cầu của chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Tôi tin rằng với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong cải cách môi trường kinh doanh, cải thiện thủ tục hành chính, có những biện pháp khuyến khích thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số..., chúng ta hoàn toàn có thể đón đầu, vượt lên trong cuộc cách mạng này.

Quyết liệt đưa công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp

- VCCI là cánh tay nối dài kết nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, Quốc hội. Là người đứng đầu VCCI, đại biểu có đề xuất cải cách gì để cộng đồng doanh nghiệp phát triển sâu rộng hơn trong năm tới?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Hiện nay, Chính phủ cũng như Quốc hội đã thành lập những nhóm công tác để rà soát các quy định pháp lý liên quan đến môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính. Tôi rất hy vọng với kết quả rà soát này, Chính phủ và Quốc hội sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ hệ thống thể chế các quy định pháp luật về kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Để đón bắt làn sóng đầu tư mới mà có lợi cho Việt Nam, tôi đề nghị cần phải có luật về công nghiệp hỗ trợ. Bản chất của làn sóng đầu tư mới, chuyển dịch đầu tư từ các nước xung quanh sang Việt Nam, sang Đông Nam Á chính là làn sóng chuyển dịch ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì thế chúng ta cần sớm có khuôn khổ pháp lý cũng như chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình này.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng có nghĩa là phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tự nâng cấp doanh nghiệp về quản trị, công nghệ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu, để làm sao các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn là ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam mà là một hệ thống các thực thể cộng sinh, kết nối cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt. Đây là một trong những điều chúng tôi mong muốn có thể tạo ra đột phá trong những năm tới.

Ngoài ra, những chính sách thúc đẩy cho chuyển đổi số, cho việc đưa các nền tảng công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp cũng cần mạnh mẽ hơn. Hiện chúng ta đã bắt đầu việc này nhưng cần kiên định, quyết liệt hơn. Đây không chỉ là việc của các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thậm chí các hộ gia đình cũng phải tiếp cận nền kinh tế số. Bằng cách đó sẽ tạo động lực sáng tạo cho nền kinh tế Việt Nam.

Tôi cũng cho rằng bên cạnh đổi mới, sáng tạo, bên cạnh phát triển nền kinh tế số, cùng việc chúng ta "vươn lên các vì sao” thì điều rất quan trọng mà tôi tha thiết kiến nghị Đảng và Quốc hội là sẽ có những Nghị quyết về phát triển bền vững, để đảm bảo mọi mô hình phát triển trong thời gian tới được thực thi ở Việt Nam, gắn kết các nội dung về kinh tế-xã hội-môi trường.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và thời gian tới xung đột lớn nhất trên thế giới sẽ là xung đột giữa con người với tự nhiên và dịch bệnh. Dó đó, phát triển bền vững phải coi là mô hình kinh doanh, là nền tảng của mọi phát triển, nền tảng cho phát triển của nền kinh tế và nền tảng cho phát triển của từng doanh nghiệp.

Tôi cho rằng hướng các doanh nghiệp vào phát triển bền vững, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội đồng thời tiếp cận nền kinh tế số, thực hiện đổi mới sáng tạo chính là đôi cánh cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp của chúng ta có thể bay lên.

- Xin cảm ơn đại biểu.
(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường

Với 55/55 phiếu bầu của đại biểu tham dự, ông Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khóa XV.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Sáng nay (9/11), các thành viên Chính phủ đã trả lời các câu hỏi về các chính sách phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số và chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa.

Cán bộ xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên trao đổi với nhân dân về kế hoạch mở rộng nhà văn hóa thôn.

Những năm qua, Ban Dân vận (BDV) huyện ủy Trấn Yên luôn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện “Năm dân vận chính quyền” với 10 nội dung trọng tâm để thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Sáng 9-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cuối giờ sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ trả lời một số chất vấn của đại biểu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục