Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến vào ngày 20/11/2020.
Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 27 gồm các hoạt động chính: Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 27, dự kiến thông qua 2 văn kiện là Tuyên bố Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 27 và Tuyên bố về Tầm nhìn APEC sau năm 2020…
Kể từ khi thành lập năm 1989, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại, đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế - kỹ thuật. Cam kết xuyên suốt, quan trọng nhất đến nay của APEC, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai vào năm 1994 tại Indonesia là hoàn thành các Mục tiêu Bogor về thương mại, đầu tư tự do và mở đối với các nền kinh tế thành viên phát triển vào năm 2010 và các nền kinh tế thành viên đang phát triển vào năm 2020.
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao -Kinh tế APEC vào tháng 11/1998, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Điều đó đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước trong những năm qua.
Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.
Năm 2020, Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC với vị thế được nâng cao, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việt Nam tích cực ủng hộ, chủ động phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Malaysia và các thành viên bảo đảm giữ đà hợp tác APEC trong bối cảnh hợp tác APEC bị ảnh hưởng và gián đoạn do dịch bệnh bùng phát, thúc đẩy để các Hội nghị APEC ra được Tuyên bố chung, khẳng định tinh thần hợp tác APEC.
Trong năm 2020, Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp tại gần 100 cuộc họp, hội nghị của APEC được tổ chức (cả hình thức trực tiếp và trực tuyến), nhất là tham dự 9 hội nghị, đối thoại cấp Bộ trưởng.
Việt Nam đồng thời chủ động, tích cực tham gia và đóng góp xây dựng nhiều văn bản định hướng hợp tác quan trọng của APEC như: Tầm nhìn APEC sau 2020 (đây là một trong những đề xuất quan trọng của Việt Nam, Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Nhóm Xây dựng Tầm nhìn APEC), Tầm nhìn năng lượng APEC sau 2020, Chương trình cải cách cơ cấu APEC giai đoạn 2021-2025 (với vai trò Trưởng nhóm công tác), các Tuyên bố hội nghị, cũng như các báo cáo quan trọng khác.
Trong năm 2020, Việt Nam tham gia đóng góp trong các hoạt động đa phương nói chung và APEC nói riêng với vị thế gia tăng. Nhằm triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ 12 về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp định hình các thể chế đa phương và Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng APEC trên chặng đường phát triển sắp tới, chung tay xây dựng tầm nhìn chiến lược về cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng.
(Theo Dân Trí)