Từ khi có Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về "Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020”, tỉnh Yên Bái đã tổ chức phổ biến, quán triệt mục tiêu, nội dung của Nghị quyết đến các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương trong toàn tỉnh.
Để đưa Nghị quyết 80 đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn ban chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở đó, các đề án, kế hoạch, chương trình, chính sách và giải pháp về giảm nghèo đã được các cấp, các ngành chức năng ở địa phương tham mưu xây dựng, ban hành đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý để người nghèo, người cận nghèo tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo.
Trong số các chính sách được triển khai thực hiện trong công tác giảm nghèo nổi bật có chính sách về y tế, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ pháp lý... Cụ thể thực hiện Chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, Giai đoạn đoạn 2011 - 2020, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ giải ngân cho vay đối với 102.656 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng doanh số cho vay ước đạt 4.350 tỷ đồng.
Thông qua công tác theo dõi, kiểm tra cho thấy hầu hết các hộ được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của gia đình. Công tác thu nợ, bảo tồn nguồn vốn cho vay được thực hiện tốt; tỷ lệ hộ nghèo trả nợ đúng hạn đạt 97%, trả lãi đúng hạn đạt 99,9%; nợ xấu luôn được khống chế ở mức thấp hơn so với quy định.
Bên cạnh đó còn các chương trình khác như: Cho vay chương trình học sinh, sinh viên, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, giải quyết việc làm... tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tốt, góp phần tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ước tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ lệ khoảng 60%.
Yên Bái đã hình thành nhiều mô hình nuôi trồng cho năng suất cao (Ảnh minh họa)
Chính sách hỗ trợ dạy nghề, việc làm đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung và lao động nghèo, cận nghèo nói riêng trên địa bàn tỉnh đang được triển khai và có chiều hướng chuyển biến tích cực, lao động sau khi học nghề có khoảng 80% tự tạo việc làm mới hoặc tăng năng suất lao động góp phần tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động; lao động thuộc hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nhờ triển khai các chính sách khuyến khích sản xuất liên tục trong 10 năm qua, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000 ha, vùng ngô 15.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung trên 1.000 ha, vùng cây ăn quả gần 9.000 ha, vùng chè 8.000 ha (trong đó chè shan vùng cao trên 1.700 ha, chè giống tiến bộ trên 3.500 ha), măng tre Bát độ trên 6.600 ha, quế gần 76.000 ha, sơn tra trên 6.000 ha, đàn trâu bò gần 130.000 con, diện tích nuôi thủy sản trên 2.600 ha và gần 2.000 lồng cá qua đó góp phần mở rộng sinh kế, tạo thu nhập bền vững cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.
Kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo từ Nghị quyết 80 của Chính phủ đã góp phần cải thiện đời sống người dân, ổn định xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là đối với địa bàn vùng dân tộc và miền núi, đạt được mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo của tỉnh đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 32,21% cuối năm 2015 giảm còn 7,04% cuối năm 2020 (giảm 25,17%), bình quân mỗi năm giảm 5,03%. Đối với 2 huyện 30a là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ giảm bình quân 8,32%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm. Qua đó, đã góp phần thu hẹp khoảng cách về tình trạng nghèo giữa các khu vực, các dân tộc trong toàn tỉnh.
(Theo LĐXH)