Trong suốt cuộc đời mình, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã thực hiện bước ngoặt cách mạng trong tư tưởng triết học nhân loại, xây dựng nên một thế giới quan và phương pháp luận cách mạng, khoa học. Hệ thống triết học mới do các ông xây dựng đã kế thừa các tinh hoa của văn hoá, tư tưởng, khoa học và triết học nhân loại.
Hệ thống các quan điểm khoa học có giá trị về thế giới quan và phương pháp luận được Ph.Ăngghen trình bày trong các tác phẩm triết học nổi tiếng, như Chống Đuyrinh, Biện chứng của tự nhiên, Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức,... Nội dung cơ bản của các tác phẩm triết học đó vượt trội hơn tất cả các khuynh hướng triết học đã có, làm nổi bật sự thống nhất hữu cơ giữa giải thích thế giới và cải tạo thế giới, giữa tính cách mạng và tính khoa học, xác định rõ mục tiêu, điều kiện và phương pháp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột. Ngoài những thành tựu đó, Ph.Ăngghen còn để lại cho thế hệ trẻ một hình mẫu của tinh thần cách mạng sáng tạo, sự hợp tác trong lao động khoa học và đấu tranh không mệt mỏi cho sự phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn; hướng khoa học vào mục tiêu giải phóng và phát triển con người. Một số bài học quý giá được rút ra từ cuộc đời ông có thể kể đến:
Thứ nhất, bài học về tinh thần cống hiến và tình thương yêu với cộng đồng, xã hội. Xuất thân giàu có nhưng sự lựa chọn lại hướng tới giải phóng và phát triển con người. Sinh thành trong một gia đình chủ xưởng (theo ý nguyện của người cha là sẽ đào tạo ông trở thành một nhà kinh doanh thành thạo và giàu có), tuy nhiên, ông lại cho rằng: "Cái làm cho tôi ghê tởm nhất chẳng những là phải làm một nhà tư sản, mà lại còn phải làm một người chủ xưởng, một anh tư sản tích cực dự phần chống lại giai cấp vô sản" (thư gửi Mác). Bằng những chứng cớ sinh động của cuộc sống và những tài liệu phong phú của chính quyền tư sản, ông được coi là người đầu tiên phát hiện sứ mạng lịch sử vĩ đại của giai cấp công nhân trong công cuộc đấu tranh giải phóng lao động, xây dựng xã hội mới không có áp bức bóc lột và bảo đảm vấn đề an ninh quân sự của giai cấp vô sản. Với sự lao động cần cù, bằng trí thông minh, sáng tạo và tình yêu nồng cháy đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ông đã trở thành hình mẫu của tinh thần cách mạng.
Thứ hai, bài học về đức tính khiêm nhường, giản dị. "Khiêm nhường” và "giản dị” là hai đức tính mà theo Ăng- ghen chính là những trang bị quý giá nhất của con người. Qua những công trình mà ông để lại, Ăng-ghen đã thể hiện một sự hiểu biết rộng lớn, một tầm nhìn sâu sắc, một khả năng nhận định thiên tài trên nhiều lĩnh vực khoa học và cuộc sống. Ông chưa từng đánh giá cao xuất thân giàu có của gia đình mình và luôn muốn trở thành đồng chí của mọi tầng lớp vô sản. Với những tác phẩm viết riêng, cùng những tác phẩm viết chung và những tác phẩm viết sau khi C.Mác từ trần, chứng tỏ Ph.Ăng-ghen là "một nhà bác học thiên tài” (cách dùng từ của C.Mác). Mác cũng rất tự hào khi gọi người bạn mình là một bộ "Bách Khoa". Tuy nhiên, bản thân Ăng-ghen lại thường nói "Khi Mác còn sống, tôi vẫn là một cây đàn vi-ô-lông thứ hai bên cạnh Mác". Thậm chí khiêm nhường hơn, Ph.Ăng-ghen còn tuyên bố ông chỉ là một "cây vĩ cầm nhỏ bé” bên cạnh C.Mác.
Thứ ba, bài học về tinh thần đấu tranh không kể tuổi tác, bền bỉ cho lý tưởng của những người lao động chân chính. Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp ở tuổi niên thiếu tới khi mất, suốt cuộc đời ông chưa bao giờ thay đổi lý tưởng của mình. Cùng với C.Mác (30 tuổi), Ăng-ghen khi 28 tuổi đã trở thành đồng tác giả của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" xuất bản lần đầu tiên vào tháng 2-1848 bằng tiếng Anh ở Luân Đôn. Ông kiên trì học tập và sử dụng gần 20 thứ tiếng nước ngoài, nói thành thạo 12 thứ, bao gồm các ngôn ngữ chính và nhiều ngôn ngữ địa phương. Tới năm 1844, khi đã ở tuổi 75 và đang bị bệnh tật hiểm nghèo dày vò, Ăng-ghen vẫn viết thư cho bạn tỏ ý hy vọng mình sẽ sống năm thứ 75 một cách khỏe khoắn, ít lo ngại và ham làm việc hơn.
Đã 200 năm trôi qua kể từ ngày thiên tài Ph.Ăngghen ra đời, chúng ta chứng kiến biết bao đổi thay của nhân loại. Cũng đã có những bậc đại tài xuất hiện, nhưng có lẽ Ph.Ăng-ghen đã và luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong trái tim biết bao con người cùng khổ và giai cấp vô sản. Trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão, cùng với những hậu quả nặng nề từ thiên tai, dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020, có lẽ đã tới lúc cả thế giới nên hướng về những tiên đoán, nhận định của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin. Thành tựu của các quốc gia dựa trên chủ nghĩa Mác trong đó có Việt Nam trong công cuộc bảo vệ công dân và phát triển đất nước khỏi đại dịch Corona không những khiến cả thế giới ngưỡng mộ, mà còn góp phần nâng cao những giá trị của Châu Á, những thành tựu của các quốc gia vẫn trung thành với lý tưởng của giai cấp vô sản.
(Theo Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang)