Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết thành lập thành phố, phường, thị trấn và sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang, Thanh Hóa, Kiên Giang, Bình Dương.
Thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa
Tại Nghị quyết số 1107/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ quyết nghị thành lập thị trấn Vĩnh Thạnh Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Sau khi thành lập, huyện Châu Phú có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 xã và 2 thị trấn; huyện Tri Tôn có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 xã và 3 thị trấn; huyện Châu Thành có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 xã và 2 thị trấn.
Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 156 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 116 xã, 21 phường và 19 thị trấn.
Tại Nghị quyết số 1108/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi thành lập, thành phố Thanh Hóa có 34 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 30 phường An Hưng, Ba Đình, Điện Biên, Đông Cương, Đông Hải, Đông Hương, Đông Lĩnh, Đông Sơn, Đông Tân, Đông Thọ, Đông Vệ, Hàm Rồng, Lam Sơn, Long Anh, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Quảng Cát, Quảng Đông, Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Tào Xuyên, Tân Sơn, Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Trường Thi và 4 xã Đông Vinh, Hoằng Đại, Hoằng Quang, Thiệu Vân.
Tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 23 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 471 xã, 60 phường và 28 thị trấn.
Tại Nghị quyết số 1110/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Sau khi thành lập, huyện Bắc Tân Uyên có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 xã và 2 thị trấn. Tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 2 thị xã và 3 thành phố; 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã, 45 phường và 5 thị trấn.
Các nghị quyết: Nghị quyết số 1107/NQ-UBTVQH14, Nghị quyết số 1108/NQ-UBTVQH14, Nghị quyết số 1110/NQ-UBTVQH14 đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021.
Thành lập thành phố Phú Quốc
Tại Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Sau khi thành lập, thành phố Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 phường: An Thới, Dương Đông và 7 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu. Tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 huyện và 3 thành phố; 144 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 116 xã, 18 phường, 10 thị trấn.
UBTVQH ban hanh cac Nghi quyet thanh lap thanh pho, phuong, thi tran hinh anh 2
Một góc khu đô thị mới đang được xây dựng thị trấn An Thới. (Ảnh: Ngọc Hà/ TTXVN)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập Tòa án nhân dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện
Tại Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, Quận Phú Nhuận của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị giải thể Tòa án nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh gồm các Tòa chuyên trách là: Tòa Hình sự; Tòa Dân sự; Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Xử lý hành chính; Tòa Kinh tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị giải thể Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức để thành lập Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện từ năm 2021.
(Theo Vietnam+)