Mỗi một kỳ họp Quốc hội đi qua, lại có những dấu ấn, những đổi mới được cử tri cả nước ghi nhận. Đó là đổi mới cách thức điều hành, đổi mới phương thức chất vấn, đổi mới nội dung phiên họp các Ủy ban của Quốc hội, đổi mới về công nghệ thông tin. Với nỗ lực không ngừng của Quốc hội Việt Nam, mối quan hệ giữa các đại biểu với cử tri ngày càng gắn bó mật thiết, các đại biểu đã nói tiếng nói của người dân. Vai trò của Quốc hội trong việc thể chế hóa đường lối, tạo hành lang pháp lý cho công tác điều hành của Chính phủ càng được khẳng định.
Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, thực hiện có hiệu quả phương châm "Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”. Sự đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được cử tri dõi theo và ghi nhận, làm dày thêm truyền thống lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện tinh thần dân chủ một cách đậm nét từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người dân đã được trực tiếp bầu chọn những người đại diện cho mình để tham gia vào bộ máy Nhà nước.
Tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội còn được thể hiện ngay trong những cuộc thảo luận đầy trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tại những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, kỳ họp dài ngày đầu tiên của Quốc hội, người dân đã được vào dự thính và theo dõi diễn biến của các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Trong phiên chất vấn Chính phủ đầu tiên, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi, tranh luận với các thành viên Chính phủ về những vấn đề rất quan trọng cả về đối nội và đối ngoại.
Trong việc xem xét, thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc,các đại biểu Quốc hội cũng đã tranh luận một cách dân chủ, thấu đáo về tất cả những vấn đề cơ bản của một bản Hiến pháp tiến bộ.
Kể từ những kỳ họp đầu tiên đó, 14 khóa Quốc hội với tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực và sáng tạo của hàng nghìn đại biểu Quốc hội đã xây dựng và ban hành được 5 bản Hiến pháp, hàng trăm bộ luật, luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung những đạo luật để điều chỉnh các quan hệ của đời sống xã hội, tạo nên một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Tháng 7/2016, khi phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: "Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động, Quốc hội khóa XIV cần tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước. Để Quốc hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trách nhiệm mà đồng bào và cử tri cả nước giao phó."
Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của Quốc hội, những hoạt động của Quốc hội thông qua các kỳ họp, qua từng năm liên tục được đổi mới một cách mạnh mẽ, đưa hoạt động nghị trường tới thật gần với người dân. Những vấn đề thực tiễn của cuộc sống cũng được phản ánh, trao đổi một cách kịp thời, thẳng thắn, trách nhiệm trước diễn đàn Quốc hội.
Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thí điểm thực hiện, tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa, giúp cho việc điều hành chính xác hơn. Sự đổi mới này là cách để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong việc xây dựng Quốc hội điện tử.
Và đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một lần nữa, những dấu ấn của Quốc hội vì dân tiếp tục được thể hiện đậm nét. Kỳ họp thứ 9 đánh dấu một điểm nhấn quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên, kỳ họp Quốc hội được chia thành 2 đợt, họp trực tuyến và họp tập trung. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp nối thành công, Kỳ họp 10 cũng tiếp tục duy trì hình thức này. Kỳ họp một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: "Tiến hành họp trực tuyến cũng là một cách thức để thông tin trực tiếp và truyền tải những nội dung trong nghị trường của Quốc hội đến với nhân dân. Đồng thời, họp trực tuyến cũng tạo điều kiện để cử tri và nhân dân giám sát các đại biểu do mình bầu ra."
Một dấu ấn nữa mà Quốc hội khóa XIV đã làm được, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đầy khó khăn, đã tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) dưới hình thức trực tuyến, với chủ đề "Ngoại giao Nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Điều này đã góp phần khẳng định năng lực và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
Dấu ấn đổi mới tiếp theo, chính là nội dung tranh luận rất rõ, không chỉ đại biểu tranh luận với các thành viên Chính phủ mà các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau. Tranh luận để tìm tiếng nói chung, tìm ra quyết sách đúng để đưa đất nước phát triển. Đó là một tinh thần rất dân chủ. Tại các kỳ họp của Quốc hội khoá XIV, có thể thấy những cuộc chất vấn, tranh luận trên Nghị trường rất sôi nổi, khi cần thiết có thể giơ biển tranh luận ngay.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhờ tranh luận, những vấn đề được bật sáng: "Thảo luận là quá trình tìm ra chân lý nên có thể có những ý kiến khác mình lắng nghe để cầu thị , tiếp thu. Tranh luận lành mạnh, có trí tuệ, có trách nhiệm."
Quốc hội khoá XIV đã để lại nhiều dấu ấn trong quyết tâm đổi mới, quyết liệt nhưng linh hoạt trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tiếp nối truyền thống lịch sử 75 năm Tổng tuyển cử đầu tiên, sự quyết tâm này của Quốc hội đã khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của cử tri, Nhân dân và đất nước.
(Theo VOV)