75 năm trước, ngày 6/1/1946, trong khói lửa chiến tranh, giữa lúc lâm nguy nhất của đất nước đang thù trong, giặc ngoài, nhân dân, những con người lần đầu là chủ nhân của một nước độc lập nô nức và hãnh diện cầm lá phiếu bầu đại biểu đại diện cho mình vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi dù trong gian khó hoành hành của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Thành công của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là thành quả của chính quyền cách mạng đã xây dựng được lòng tin trong nhân dân và biết đặt đúng niềm tin của mình vào nhân dân. Đây là bài học còn vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hôm nay như khẳng định của TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo chí.
PV: Thưa ông, thành công của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/21946 cho chúng ta bài học về dân tin và tin dân. Bài học này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay, thưa ông?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước ngày 6/1/1946 có sự tin tưởng vào thắng lợi cách mạng, của những người làm cách mạng. Đó là cuộc bầu cử có ứng cử viên đông nhất từ trước tới nay. Ở Hà Nội có đến cả trăm người ứng cử. Vậy mà, Bác Hồ vẫn trúng cử với phiếu cao nhất. Chúng ta thấy đó là kết quả lòng tin của người dân. Lòng tin bao giờ cũng đi từ hai phía. Khi chính quyền tin người dân thì sẽ được đáp lại bởi một niềm tin như vậy. Đó là một bài học rất lớn.
Và bây giờ, tin vào dân, tin vào sức mạnh của dân cũng làm cho dân tin vào chính quyền, tin vào sự công tâm của chính quyền, tin vào những cố gắng của chính quyền để thúc đẩy công cuộc kiến tạo đất nước đi lên. Đồng thời để dân tin, những người làm cán bộ, những người làm lãnh đạo phải rất gương mẫu. Tôi lấy ví dụ như Bác Hồ, khi kêu gọi dân tiết kiệm thì Bác tiết kiệm trước, kêu gọi dân nhịn ăn để ủng hộ thì Bác nhịn ăn trước. Để có sự tin yêu của người dân thì sự gương mẫu cũng rất quan trọng và đó cũng là Nghị quyết mà Đảng ta đã nêu ra là Nghị quyết về nêu gương.
PV: Qua những câu chuyện thực tiễn, ông có phân tích như thế nào về mối quan hệ giữa dân tin và tin dân?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tin dân đó là tin vào khả năng của người dân thúc đẩy công việc. Điều này rất rõ qua những cải cách vừa rồi. Ví dụ như khoán 10, trước đây là mình áp đặt tất cả. Với động tác khoán 10 để người dân tự làm và những sản phẩm thừa ra thì người dân tự tiêu thụ trên thị trường. Từ đó, người dân đã làm biến đổi nền nông nghiệp của mình, từ một nước thiếu ăn đến một nước xuất khẩu thuộc hàng đầu thế giới. Tôi thấy tiềm lực của người dân rất lớn.
Các chính sách của thời kỳ đổi mới đã đặt niềm tin ngày càng nhiều hơn vào người dân, tạo điều kiện cho người dân làm ăn ngày càng nhiều. Từ chuyện khoán 10 sau này đến việc Nhà nước bỏ độc quyền về kinh doanh lương thực, sau đó Nhà nước bỏ độc quyền về kinh doanh ngoại thương. Tất cả những cái đó thể hiện lòng tin vào người dân, vào doanh nghiệp nhiều hơn. Mới đây nhất là Nghị quyết của Đảng đã coi tư nhân là một trong những động lực của phát triển kinh tế. Những tập đoàn như Vingroup, Sungroup đã đóng góp rất lớn bởi vì có niềm tin đã đặt vào lực lượng doanh nghiệp. Đấy là câu chuyện của niềm tin.
Tôi lấy ví dụ rất dễ cảm nhận đó là chuyện phòng chống dịch COVID-19. Khi người dân đồng lòng tin vào Nhà nước đang làm tất cả để chống lại dịch bệnh hết sức nguy hiểm này thì người dân kết lại hàng triệu người như một. Mỗi người vi phạm chưa biết Nhà nước có chế tài như thế nào, nhưng chế tài của công luận rất khủng khiếp. Chính cái đó nó tạo nên sức mạnh, tạo ra sự kiểm soát rất chặt chẽ để nước ta có được những thành tựu to lớn như vậy trong công cuộc phòng, chống COVID-19. Ở đây, người dân tin vào chính quyền. Những gì chính quyền đề ra, người dân không chỉ nghiêm túc chấp hành mà người ta áp đặt, ép buộc người khác cũng phải chấp hành. Một người vi phạm, chúng ta sẽ thấy trên mạng xã hội, trong dư luận xã hội sự phê phán của người dân mạnh như thế nào. Đó cũng là sức mạnh để chúng ta có thể khống chế đại dịch COVID-19 hiệu quả đến như vậy.
PV: Như ông nói, lòng tin phải từ hai phía chính quyền và người dân. Vậy để dân tin và để tin dân thì cả hai chủ thể này cần phải có thay đổi như thế nào?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Về phía chính quyền, thứ nhất là tận tâm đối với đất nước, đối với người dân. Anh phải kiên quyết chống tham nhũng, phải kiên quyết chống lợi ích nhóm. Một chính sách được ban hành, một chủ trương xây một cây cầu, xây một con đường hay một khu công nghiệp, tất cả phải hướng về lợi ích của dân tộc, trước hết là lợi ích của quốc gia, sau đó là lợi ích của người dân. Khi làm tất cả vì lợi ích của quốc gia, vì lợi ích của dân thì sẽ có được lòng tin. Còn nếu để lợi ích nhóm thao túng hay như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói là anh tham nhũng chính trị, tức là anh ban hành chính sách, pháp luật có lợi cho ai đó, có lợi cho phe nhóm của mình, có lợi cho gia tộc của mình, trong trường hợp như vậy khó có được lòng tin. Người đứng đầu chính quyền phải trong sạch với cái tâm phải sáng.
Về phía người dân, đa số người dân là những người yêu nước. Bất cứ người Việt Nam sinh ra trên mảnh đất này cũng rất yêu nước. Đó là động lực rất lớn. Làm thế nào để trên nền tảng đó, người dân người ta ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không có người Việt Nam nào không yêu nước cả. Người dân yêu nước thì hãy tin người dân có thể làm tất cả vì đất nước. Người dân có thể phấn đấu, người ta có thể hy sinh để thúc đẩy lợi ích của quốc gia, của dân tộc thì đấy là cái quan trọng. Theo đó, tạo điều kiện để người dân làm ăn được, như một loạt chính sách của chúng ta vừa rồi.
Và để dân hành xử tốt thì những nền tảng đạo đức cũng phải được bảo vệ. Những người hành xử làm cho lòng tin bị khủng hoảng thì phải bị trừng trị. Nhà nước cũng phải rất quan tâm đến chuyện áp đặt những chuẩn mực của đạo đức, những chuẩn mực của pháp luật đã quy định được thực tế phát huy tác dụng trong cuộc sống. Đồng thời cũng phải biểu dương những người cống hiến, những Đại hội như Đại hội thi đua yêu nước vừa rồi đề cao, tôn vinh những tấm gương người dân cống hiến cho đất nước, cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là một cách, để từ phía người dân, chúng ta thúc thúc đẩy những yếu tố tốt, hình thành một phong trào phấn đấu cống hiến và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
PV: Bài học về dân tin và tin dân cần được thực hành như thế nào trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, thưa ông?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Bây giờ quy định bầu cử phải lựa chọn, giới thiệu người xứng đáng. Quá trình Hiệp thương, ngoài chuyện phải có đủ cơ cấu thì phải rất coi trọng chất lượng. Chất lượng mới là quan trọng.
Giữa cơ cấu và chất lượng, trước tiên phải giới thiệu người có chất lượng nhất trong cơ cấu đó. Nếu áp đặt cơ cấu thì cũng phải tính đến phương án có có cơ cấu cứng và cơ cấu mềm. Một người mà gánh 4, 5 cơ cấu rất khó. Thành thử nên có 1 cơ cấu cứng thôi còn 1 số cơ cấu khác cũng tương đối. Vì quá nhiều cơ cấu thì làm sao chọn được. Khi anh giới thiệu người vừa có đức, vừa có tài rồi qua hiệp thương, anh lựa chọn tiếp thì chất lượng sẽ rất tốt. Chất lượng ứng cử viên tốt thì sẽ lựa chọn được người tốt, vừa có đức, vừa có tài.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo VOV)