Phát hiện vi phạm về kinh tế trên 86.000 tỷ đồng
Năm 2020, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực...
Tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2020 có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2019, tỷ lệ giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền đạt mục tiêu đề ra; các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, tổ chức.
Yên Bái: 180 cuộc thanh tra hành chính; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng đã nêu kết quả thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra năm 2020 tại địa phương. Theo đó, năm 2020, toàn tỉnh đã tiến hành 83 cuộc thanh tra hành chính; 97 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra phát hiện sai phạm với tổng số tiền 5,2 tỷ đồng và 3.305,4 m2 đất; kiến nghị xử lý thu hồi 4,1 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế: 1,1 tỷ đồng và 3.305,4m2 đất; đã ban hành 446 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6,2 tỷ đồng. Hoàn thành 02 cuộc thanh tra đột xuất; tỷ lệ thu hồi tiền sai phạm qua thanh tra đạt trên 98%; qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của địa phương.
Đồng chí cũng nêu ra một số khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra như: Căn cứ Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung này, còn có biểu hiện gây khó khăn, cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là các hoạt động kiểm tra thường xuyên.
Theo Luật Thanh tra năm 2010, cơ quan Thanh tra tỉnh không có chức năng hướng dẫn hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; trong khi đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thường liên quan, tác động nhiều đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra trong phạm vi tỉnh.
Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược Phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030, TTCP tăng cường chỉ đạo cơ quan thanh tra các cấp, các ngành, bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hoạt động thanh tra chuyên ngành chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất là trên các lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm.
Anh Dũng