Nhìn từ thành công của HTX chăn nuôi gà Minh Quán
Từ năm 2012, các hộ chăn nuôi gà ở xã Minh Quán bắt đầu liên kết chăn nuôi thành một số nhóm hộ. Năm 2018, được sự quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ của UBND huyện và các cơ quan chuyên môn cùng sự quyết tâm của các thành viên trong nhóm hộ đã thành lập HTX Chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ.
HTX hình thành ban đầu với 10 thành viên, hình thức góp vốn ban đầu là mỗi thành viên đóng góp 10% trong tổng số vốn điều lệ 1 tỷ đồng (100 triệu đồng/thành viên), để xây dựng chuồng trại và đầu tư chăn nuôi; các thành viên trong HTX cùng tham gia lao động sản xuất và cùng phân chia lợi nhuận. Đến năm 2020, tổng số vốn đã tăng lên 1,7 tỷ đồng, ngoài ra HTX còn huy động vốn của các thành viên theo lãi suất của Ngân hàng để đầu tư sản xuất.
HTX thực hiện liên kết với 60 hộ chăn nuôi gia cầm trên địa huyện trong việc mua con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật chăm sóc phòng trị bệnh và bao tiêu sản phẩm cho các hộ. Hiện tại, HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ đã có 2 hợp đồng tiêu thụ gà với 2 thị trường lớn là Hà Nội và Phú Thọ, có thể tiêu thụ từ 150 - 170 tấn gà/tháng.
Các hộ dân tham gia liên kết với HTX sử dụng con giống, thức ăn, thuốc thú y do HTX cung cấp, vật tư đầu vào sản xuất đảm bảo chất lượng, giá thành hạ so với thị trường bán lẻ, được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi; có đầu ra ổn định theo nhu cầu thị trường. Chỉ tính trong năm 2019, HTX và các hộ liên kết theo chuỗi giá trị đã xuất bán trên 400.000 con gà thương phẩm, đạt sản lượng thịt hơi gần 1.000 tấn, doanh thu đạt trên 54 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 16 tỷ đồng.
Thành công của HTX MQ có được một phần nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2019, HTX và các hộ tham gia liên kết thực hiện dự án phát triển sản xuất liện kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà thương phẩm, tổng kinh phí thực hiện Dự án gần 5,5 tỷ đồng, trong đó, gần 2,8 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn đối ứng của người dân và nguồn vốn hợp pháp khác là hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ giống hơn 800 triệu đồng; hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng thức ăn chăn nuôi, ngoài ra còn hỗ trợ vắc-xin, thuốc sát trùng, hỗ trợ tư vấn phương án sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, thử nghiệm kênh phân phối, hỗ trợ đào tạo tập huấn chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP...
Hiệu quả của chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi gà tập trung
Từ năm 2008, Trấn Yên đã triển khai chính sách hỗ trợ chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con trở lên theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hóa, các mô hình chăn nuôi gia cầm thực hiện riêng lẻ theo quy mô hộ gia đình. Sau đó, dần phát triển theo hướng liên kết hình thành một số nhóm hộ, các hộ trong nhóm giúp đỡ nhau về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh, mua con giống, thức ăn, thuốc thú y và bán sản phẩm. Với hình thức liên kết này, hiệu quả chăn nuôi tăng lên rõ rệt, số lượng đàn và đầu con phát triển mạnh.
Trong giai đoạn từ năm 2008 - 2020, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 347 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô tập trung với tổng kinh phí hỗ trợ gần 4,2 tỷ đồng. Cụ thể, từ năm 2008 - 2015, thực hiện theo chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa của tỉnh, Trấn Yên đã thực hiện hỗ trợ làm mới 37 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con trở lên, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ cơ sở, tổng kinh phí hỗ trợ 555 triệu đồng.
Từ năm 2016 - 2019, thực hiện theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, huyện đã thực hện hỗ trợ 107 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con trở lên, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/cơ sở, kinh phí hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng.
Trong năm 2020, thực hiện theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Trấn Yên đang thực hiện hỗ trợ 203 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi gà quy mô 500 con trở lên, kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng.
Có thể khẳng định các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển chăn nuôi đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi tại địa phương từ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa; đã hình thành các cơ sở chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại có đầu tư lớn về cơ sở vật chất, con giống và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu, rút ngắn được chu kỳ sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất ngành chăn nuôi.
Đến nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên đã hình thành các vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm tại các xã: Minh Quán, Hòa Cuông, Việt Thành, Quy Mông, Y Can… Hiện toàn huyện có 355 cơ sở chăn nuôi gà quy mô từ 1.000 con trở lên. Các mô hình chăn nuôi gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân, với quy mô nuôi 2.000 con/lứa, mỗi lứa nuôi trong thời gian 4 tháng, người chăn nuôi thu lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng (đã trừ chi phí), một năm thu lợi nhuận từ 120 - 140 triệu đồng.
Anh Dũng