Xuân đã về, hoa đào, hoa mai bung nụ. Trong sắc xuân tràn ngập từ xã vùng cao Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh đến Tân Đồng, Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp… đi trên những con đường bê tông thẳng tắp, hai bên rực rỡ "hoa nông thôn mới”, chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan trên mỗi khuôn mặt người dân nơi đây. Không vui sao được, khi kết thúc một năm 2020 đầy khó khăn, thách thức nhưng Trấn Yên vẫn làm nên những điều kỳ diệu.
Không chỉ là huyện NTM đầu tiên của khu vực các tỉnh vùng Tây Bắc mà huyện đã có 32/33 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch năm, trong đó thu ngân sách vượt dự toán, tăng 30% so với cùng kỳ. Trân trọng hơn, tự hào hơn, trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 hoành hành trên khắp thế giới, làm điêu đứng bao cường quốc kinh tế, rồi thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai xảy ra triền miên, nhưng với sự lãnh đạo đầy trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ cán bộ từ huyện tới cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự là chung tay, góp sức của nhân dân các dân tộc, Trấn Yên đã làm nên 24 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, có một số chỉ tiêu kinh tế tưởng rất khó hoàn thành thì huyện Trấn Yên làm nên "kỳ tích” như: giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.417 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch, tăng 9% so cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 912 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 10% so với năm 2019. Năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn với ngành chăn nuôi, bởi dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, giá vật tư đầu vào tăng…
Thế nhưng, tổng đàn gia súc vẫn đạt 55.724 con, bằng 101,9% kế hoạch, tăng 13% so năm 2019; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt gần 10.000 tấn, đạt 109,8% kế hoạch và tăng 19% so với năm 2019. Hay như trong xuất khẩu hàng hóa cũng vậy, do ảnh hưởng dịch Covid- 19 thị trường gần như đóng băng, song với sự năng động, tiên phong của đội ngũ lãnh đạo huyện, sự nỗ lực của doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt gần 40 triệu USD, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 0,1% so với 2019. Đặc biệt, trong thu ngân sách trên địa bàn, lần đầu tiên cán mốc 200 tỷ đồng, đạt 123,6% kế hoạch, tăng 30% so với năm 2019.
Trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có nhiều khởi sắc, 35 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, cơ bản hoàn thành 4/5 tiêu chí xã NTM nâng cao, 2/4 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Bằng những cách nghĩ, cách làm sáng tạo, Trấn Yên đã xây dựng, hình thành những vùng phát triển kinh tế chủ lực với khối lượng hàng hóa lớn.
Không làm ào ào mà làm theo hướng chuyên canh, sản xuất theo chuỗi giá trị. Một tư duy mới, cách làm mới hiệu quả đã và đang hiện hữu trên mỗi vùng quê. Từ những héc-ta tre măng Bát độ trồng thử nghiệm ở xã vùng cao Kiên Thành hôm nào, nay đã phát triển trên 2.000 ha, sản lượng măng thương phẩm đạt 30 ngàn tấn, giá trị thu được trên một trăm tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tiến độ Dự án đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Từ những cây dâu tằm ở Tân Đồng, Việt Thành nay đã có gần 1.000 ha dâu, sản lượng kén đạt 1.000 tấn, doanh thu cũng gần trăm tỷ đồng. Người dân nơi đây đã chuyển từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, không chỉ tăng năng suất mà chất lượng kén cũng được nâng lên. Huyện đã xây dựng thực hiện có hiệu quả 4 chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà Minh Dư thương phẩm; chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ Trấn Yên; chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm; chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ Trấn Yên.
Phát triển 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên (măng Bát độ Hồng Ca, miến đao Quy Mông, chè Bát tiên Hưng Khánh, quýt Hưng Thịnh, nước tinh khiết Việt Hồng, rau cải mèo Y Can, rau cải mơ Y Can, rau cải ngọt Y Can, bưởi Diễn Hưng Thịnh, chuối sấy dẻo Việt Thành).
Có thể nói, thành quả của năm 2020 càng làm cho người dân Trấn Yên được nhân thêm niềm vui, nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần nâng lên.
Ông Lê Văn Bảng - Trưởng thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh hồ hởi nói với chúng tôi: "Nông thôn mới buộc người dân chúng tôi phải có suy nghĩ mới và cách làm mới. Toàn thôn có 102 hộ dân thì có 70% số hộ trồng cây ăn quả hàng hóa. Nhờ vậy, mỗi năm cho thu trên 10 tỷ đồng. Thôn chỉ còn hai hộ nghèo do khuyết tật, còn lại đều có thu nhập trên 200 triệu đồng, nhiều hộ thu nhập cả tỷ đồng. Nhà xây kính mầu lộng lẫy không còn là chuyện hiếm ở Yên Bình”.
Từ một địa phương không có quá nhiều lợi thế về phát triển cây ăn quả, đến nay toàn huyện đã có trên 1.085 ha, trong đó, cây ăn quả có múi 761,8 ha (390 ha bưởi, 290 ha cam các loại, 15 ha quýt, 67 ha chanh...) được trồng tập trung tại các xã: Việt Thành, Hồng Ca, Hưng Thịnh, Hưng Khánh và Quy Mông. Theo dự kiến, sản lượng cây ăn quả năm nay đạt 5.340 tấn (cây ăn quả có múi là 2.449 tấn), giá trị thu nhập đạt trên trăm tỷ đồng.
Không chỉ trồng, kiến thiết cơ bản mà để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, huyện đã xây dựng các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hưng Thịnh là xã thuần nông, trước đây nhân dân chủ yếu là trồng rừng, làm chè. Nhưng một vài năm trở lại đây, xã đã mạnh dạn chuyển đổi hàng trăm diện tích cây chè, cây lâm nghiệp, cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả mang giá trị cao. Toàn xã có trên 200 ha cây ăn quả với 9 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã vừa trồng vừa hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn cho bà con. Bình quân mỗi năm người dân trong xã có thu nhập trên 20 tỷ đồng từ cây ăn quả.
Anh Nguyễn Văn Học ở thôn Yên Bình đang cùng vợ thu hái những lứa cam, quýt đầu tiên bán cho thương lái phấn khởi nói: "Thấy bà con trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2016 gia đình chuyển đổi 1 ha rừng quế sang trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình có 400 gốc quýt Đường canh, quýt vỏ giòn và 500 gốc cam sành. Năm 2019, gia đình bán cho thu 300 triệu đồng. Năm 2020 này được mùa, cam sành bán tận gốc với giá 12.000 đồng/kg, quýt trên 20.000 đồng/kg, dự kiến từ nay đến cuối vụ gia đình thu 500 triệu đồng”.
Một mùa xuân mới lại về với bao khát vọng và chờ mong. Ở huyện NTM đầu tiên của vùng Tây Bắc, không khí đón tết lan tỏa khắp các vùng quê. Những đồi tre măng Bát độ, những đồi cam, đồi quýt vàng rực xen lẫn đào phai bên các sườn đồi, vườn nhà bung mình khoe sắc đón xuân, tạo nên sức sống mới trên quê hương nông thôn mới.
Thanh Phúc