Yên Bái có đại biểu Quốc hội trẻ nhất khóa XIV: Từng gặp khó khăn vì... tuổi đời còn quá trẻ!

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/3/2021 | 7:46:35 AM

YênBái - Tại thời điểm trúng cử, Triệu Thị Huyền mới 24 tuổi. Chị trở thành đại biểu Quốc hội trẻ nhất khóa XIV. Trao đổi với phóng viên báo chí, chị Huyền cho biết đã từng gặp khó khăn, rắc rối trong quá trình tiếp xúc cử tri, cũng như hoạt động Quốc hội chỉ vì…tuổi đời còn quá trẻ!

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị huyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thị huyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Triệu Thị Huyền (sinh năm 1992) là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trẻ nhất khóa XIV. Chị bước chân vào nghị trường khi mới 24 tuổi. Triệu Thị Huyền là một trong 21 đại biểu không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trúng cử và cũng là nông dân duy nhất trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV.

Trong suốt 5 năm hoạt động trong Quốc hội, xuất phát từ chính những trải nghiệm thực tế của bản thân, đại biểu Triệu Thị Huyền đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực về việc bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như xây dựng chi tiết chính sách tín dụng sư phạm.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo chí, đại biểu Triệu Thị Huyền đã chia sẻ những trải nghiệm rất chân thật, những thuận lợi, khó khăn mà một đại biểu trẻ gặp phải.

PV: Chị đánh giá 5 năm đảm nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của mình như thế nào? Liệu có đạt được kỳ vọng mà một nữ nông dân 24 tuổi đã từng đặt ra?

Bà Triệu Thị Huyền: Trong 5 năm vừa qua, tôi vinh dự được đại diện cho cử tri nông dân tỉnh Yên Bái tham gia vào hoạt động của Quốc hội. Mặc dù không phải không còn những băn khoăn, trăn trở nhưng phần nào tôi hài lòng vì những dự định, mục tiêu từng đặt ra đã được hoàn thành.

Trong đó, tham gia góp ý vào các nội dung các dự án luật liên quan tới hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng chính sách tín dụng sư phạm,… là mục tiêu lớn nhất.

PV: Trở thành ĐBQH khi mới 24 tuổi, thời gian đầu chị có bị "ngợp” không?

Bà Triệu Thị Huyền: Tôi nghĩ ai ở vào cương vị như tôi lúc đó chắc đều bị "ngợp”. Được đại diện cho tiếng nói của nhân dân, được lắng nghe và truyền tải nguyện vọng của cử tri khi tuổi đời còn trẻ là một vinh dự và áp lực thực sự lớn.

Tôi vẫn còn nhớ, trong thời gian đầu của kỳ họp thứ nhất, tôi còn bỡ ngỡ lắm. Quả thực, tôi gặp không ít khó khăn khi bắt đầu vào làm quen và bắt nhịp với các hoạt động của Quốc hội.

PV: Theo chị, điều gì tạo nên giá trị khác biệt của một đại biểu trẻ? Họ có lợi thế và khó khăn gì?

Bà Triệu Thị Huyền: Theo tôi, mỗi đại biểu khi tham gia hoạt động của Quốc hội đều có những thế mạnh, những năng lực cống hiến riêng.

Nếu như những đại biểu từng công tác lâu năm có được kiến thức vững vàng, phân tích sâu sắc thậm chí là kinh nghiệm phát biểu sao cho có phong thái, sao cho hùng hồn và thuyết phục thì với đại biểu trẻ, điều làm nên giá trị của họ là tinh thần cầu tiến, cầu thị, lối nghĩ mới, sự nhiệt huyết và quyết liệt khi làm việc. Tôi thiết nghĩ vậy.

PV: Chị đã từng gặp rắc rối hay khó khăn khi tiếp xúc cử tri, khi tranh luận tại nghị trường chỉ vì tuổi đời rất trẻ không?

Bà Triệu Thị Huyền: Có chứ! Nhưng tôi không nản. Trong quá trình trực tiếp làm việc, tôi bắt đầu tích lũy kinh nghiệm và chọn cách thức làm việc cho phù hợp. Tại địa phương, tôi dành nhiều thời gian để lắng nghe, tiếp nhận, phản ánh những vấn đề mà người nhân đang đau đáu. Dần dần, tôi tạo được thêm niềm tin với cử tri.

Có lần tôi đi tiếp xúc tại địa phương, một cử tri đã trực tiếp bày tỏ với tôi rằng: Họ tin vào đại biểu trẻ như chúng tôi, tin vào lối nghĩ mới, dám nói, dám làm. Tôi thực sự trân trọng điều đó và thấy rõ trách nhiệm của mình càng lớn hơn nữa.

PV: Chị thường mất bao lâu để nghiên cứu tài liệu trước mỗi kỳ họp Quốc hội? Làm việc cùng những những ĐBQH "lão làng”, đã có nhiều năm kinh nghiệm giám sát hoạt động của Chính phủ có khiến chị bị áp lực không?

Bà Triệu Thị Huyền: Ngay khi chương trình kỳ họp được ban hành, tôi lập tức xác định, lựa chọn nội dung sẽ góp ý trong kỳ họp. Với những vấn đề còn nhiều vướng mắc, nghiên cứu tài liệu thôi là chưa đủ, tôi sẽ tham vấn thêm ý kiến của nhiều chuyên gia. Bạn biết đấy, với người trẻ chưa hiểu, chưa biết gì thì phải hỏi.

Còn về chuyện làm việc với các ĐBQH "lão làng” có áp lực hay không, thì quả thực tôi thấy may mắn nhiều hơn. Được tiếp xúc, làm việc cùng những đại biểu đã có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội là cơ hội quý để tôi học hỏi. Trên thực tế, tôi đã từng áp dụng chia sẻ của các đại biểu vào hoạt động của mình, "gỡ bí” thành công nhiều lần đấy!

PV: Từ kinh nghiệm thực tiễn, theo chị, một người trẻ cần được trang bị những gì để thể đảm đương vị trí quan trọng này? Cơ quan chức năng có thể làm gì để cải thiện môi trường và chất lượng làm việc cho đại biểu trẻ?

Bà Triệu Thị Huyền: Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy rằng, để làm tốt vai trò của mình, mỗi đại biểu trẻ cần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, kiến thức không chỉ một mà nhiều lĩnh vực của đời sống. Vì đại biểu trẻ cần có kiến thức rộng và sâu hơn nữa mới có thể góp ý tốt hơn vào nhiều nội dung trong các kỳ họp.

Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các đại biểu trẻ, tôi mong muốn, cơ quan chức năng có thể tiếp tục tạo điều kiện cho các đại biểu trẻ được tham gia vào các lớp tập huấn kĩ năng bài bản cũng như có thêm cơ hội cọ sát thực tế; giúp họ chuẩn bị tâm thế vững vàng, bồi đắp kiến thức dày dặn trước khi bước vào nghị trường. Có thế, người trẻ sẽ càng đóng góp được nhiều hơn nữa!

(Theo VOV)

Tags Yên Bái đại biểu Quốc hội trẻ nhất khóa XIV

Các tin khác

Sáng 8/3, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Nhiều phong trào lớn do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động được nữ chiến sĩ Công an Yên Bái hưởng ứng và đạt được thành tích tốt.

Trung tá Phạm Thị Hồng Vân - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an Yên Bái chia sẻ: “Có thể nói, nữ cán bộ, chiến sĩ Công an chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số cán bộ, chiến sĩ tại các cơ quan, đơn vị. Tuy vậy, chị em vẫn phải gánh vác những nhiệm vụ khó khăn, vất vả bởi tính chất, đặc thù của ngành nghề. Đi làm chị em chẳng quản gian khó, hy sinh, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, về nhà lại là người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ dịu hiền”.

Đồng chí Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh (thứ 2, bên phải) cùng các đồng chí Thường trực Hội và cán bộ cơ quan Hội LHPN tỉnh trao đổi công tác Hội.

Đẩy mạnh các phong trào Hội, sát cánh cùng hội viên phát triển kinh tế... là những hoạt động trọng tâm của Hội Liên hiệp phụ nữ Yên Bái nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên phụ nữ trong tỉnh. Đây cũng là cơ sở để Hội thực hiện hiệu quả công tác "Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc" từng bước nâng cao chỉ số hạnh phúc cho hội viên.

Triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND/ Phát động phong trào thi đua yêu nước 2021/ Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trạng thái bình thường mới/ Bắt đầu Tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính/ Xôi nếp Tú Lệ và chè Shan Tuyết Suối Giàng lọt "Top 100" đặc sản Việt Nam... là những sự kiện nổi bật của tỉnh Yên Bái tuần qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục