Chỉ số hạnh phúc là thước đo lường đánh giá khách quan mức độ hạnh phúc theo nhiều khía cạnh khác nhau. Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang tạm thời vận dụng các tiêu chí đánh giá hạnh phúc và cách tính chỉ số hạnh phúc của Tổ chức N.E.F (tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội có trụ sở tại Vương quốc Anh).
Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 tiêu chí: sự hài lòng về cuộc sống, môi trường sống, chỉ số tuổi thọ.
Trong đó, đánh giá sự hài lòng về cuộc sống có 4 yếu tố: sự hài lòng về điều kiện kinh tế vật chất, mối quan hệ trong gia đình và xã hội, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và tiếp xúc với cơ quan công quyền.
Đánh giá sự hài lòng về môi trường sống có các yếu tố sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng đô thị và làng xã, việc bảo vệ môi trường nước và xử lý rác thải, việc bảo vệ rừng và môi trường…
Đánh giá về chỉ số tuổi thọ trung bình hiện nay của người dân trên địa bàn tỉnh bao gồm ở 3 mức 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi.
Để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đến năm 2025, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành điều tra xã hội học về chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 40,71%; tiêu chí đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện tại có 41,6%, tuổi thọ trung bình hiện tại của người dân Yên Bái là 70 tuổi; tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 31,8%.
Bằng công thức tính chỉ số hạnh phúc dựa trên 3 tiêu chí: Chỉ số hạnh phúc được tính bằng công thức: "Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống x Tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình: Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống”.
Theo công thức này, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái hiện tại là 53,3%, ở mức khá hạnh phúc.
Để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trong tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái đã xác định phương hướng chiến lược phát triển "xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc” các giải pháp trọng tâm là thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các chính sách, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ có hiệu quả đối với các đối tượng yếu thế nhằm nâng cao đời sống kinh tế vật chất, giảm thiểu bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân.
Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng, cơ sở vật chất để người dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Gắn tăng trưởng kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai Cuộc vận động "xây dựng gia đình hạnh phúc”, là hạt nhân nuôi dưỡng cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, bảo đảm ít nhất 50% trung tâm y tế cấp huyện đạt tiêu chuẩn hạng II trở lên; quan tâm đầu tư đồng bộ và phát huy hoạt động của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ đảm bảo mọi người dân đều được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã theo hướng công khai, minh bạch, giải quyết công việc nhanh, thuận lợi; không ngừng cải thiện thái độ và mức độ phục vụ của cán bộ đối với nhân dân.
Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn và tiêu cực xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại để thu gom, xử lý chất thải, tái sử dụng, tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải; giảm dần, tiến tới phấn đấu cơ bản năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; trên 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.
Các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa đến xây dựng cảnh quan đô thị, làng, xã; bảo vệ rừng và môi trường cây xanh tại địa phương...
Thu Hiền