Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết: Huyện Mù Cang Chải có 3 đồng chí trúng tuyển vào Đề án 11 của Tỉnh ủy. Việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ đã được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên tham luận tại Hội nghị.
Sau 3 năm, các cán bộ Đề án có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có trình độ, năng lực, bước đầu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái Vương Văn Bằng tham luận tại Hội nghị.
Đại diện ngành có đông cán bộ tham gia Đề án 11, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Vương Văn Bằng cho rằng: Đề án là điều kiện thuận lợi để Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, giới thiệu giáo viên tham gia để nâng cao chất lượng đội ngũ của ngành. Tới nay, toàn ngành có 8 giáo viên tham gia Đề án, trong đó 1 người được bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng, 1 người chuyển đến làm nhiệm vụ tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã phát huy năng lực chuyên môn, nhiều năm có học sinh giỏi quốc gia; Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận 1 cán bộ thuộc Đề án giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái; 6 đồng chí còn lại đều đã được quy hoạch giữ các chức vụ lãnh đạo tại các trường.
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Trần Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị.
Nhiều tham luận đã thể hiện rõ kết quả, hiệu quả công tác sắp xếp, điều động, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ "vì việc xếp người" ở những ngành đông cán bộ tham gia Đề án như giáo dục, y tế, tài nguyên- môi trường... Hiệu quả thử thách, rèn luyện để trưởng thành cán bộ đặc biệt ấn tượng ở nhiều địa phương với những minh chứng sinh động như huyện Trạm Tấu cả 4/4 cán bộ Đề án đến nay đều giữ vị trí người đứng đầu đơn vị; huyện Lục Yên cán bộ Đề án lãnh đạo hai xã Mai Sơn, Tân Lĩnh đã đăng ký xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nổi bật với các phong trào hiến đất làm đường, "Thắp sáng đường quê"...
Khẳng định về ý nghĩa của Đề án, các đại biểu cho rằng: Đề án 11 của Tỉnh ủy có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức được tiếp cận, lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng trong công tác lãnh đạo quản lý, từ đó phát huy tốt nhất kiến thức chuyên môn đã được đào tạo, năng lực, sở trường để đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
Kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án trong thời gian tới, các đại biểu mong muốn tỉnh tiếp tục xây dựng các đề án tạo nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng để kịp thời thay thế, kế cận cho các đơn vị; tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ Đề án, thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tốt nhất năng lực bản thân.
Đối với các địa phương vùng cao, các đại biểu đề nghị cần xem xét, điều chỉnh lại tiêu chuẩn đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đề phù hợp với quy định hiện nay và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đại biểu đại diện cán bộ nữ tham gia Đề án 11 phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị cũng được lắng nghe ý kiến tham luận của các cán bộ trực tiếp tham gia Đề án 11 về nhận thức và những kết quả bản thân đạt được trong quá trình tham gia Đề án. Theo đó, các đại biểu khẳng định việc được tham gia Đề án 11 là cơ hội may mắn không chỉ giúp cho mỗi học viên ở mang kiến thức, tiếp cận với những tri thức mới, trau dồi kinh nghiệm thực tế để vận dụng linh hoạt vào thực tiễn mà còn thay đổi tư duy, tầm nhìn với nhãn quan chính trị rõ nét trong việc ý thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với công việc tại đơn vị, cơ quan cũng như công cuộc phát triển tỉnh Yên Bái trong tương lai.
Các đại biểu cũng mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy và các cấp ủy, tạo điều kiện thuận lợi tronng công tác đào tạo, bồi dưỡng; bổ sung các khóa tập huấn, trải nghiệm thực tế, cập nhật kiến thức và phương pháp lãnh đạo quản lý mới; tiếp tục có phương án điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ…
Thu Trang - Mạnh Cường