Việt Nam với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, ổn định

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/5/2021 | 8:58:24 AM

Kết thúc tháng 4-2021, Việt Nam đã đảm nhận thành công trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai. Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện thành công của Việt Nam trong việc nỗ lực cùng các nước tìm giải pháp để duy trì môi trường hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 19-4.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 19-4.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã có những chia sẻ về kết quả của tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với báo chí.


- Xin ông đánh giá về những sáng kiến, thông điệp và kết quả nổi bật mà Việt Nam đạt được trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần này?

- Tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp, thể hiện trên 3 phương diện. Thứ nhất, Việt Nam đã điều hành gần 30 cuộc họp cấp đại sứ và hàng chục cuộc họp khác để thảo luận nhiều vấn đề trên tất cả các châu lục. Chúng ta cũng đã đề xuất và được thông qua tại Hội đồng Bảo an 10 văn kiện, trong đó có 4 nghị quyết. Điều đáng mừng là các văn kiện, nghị quyết này được thông qua với sự đồng thuận, nhất trí của các nước, qua đó thể hiện vai trò điều phối, trao đổi, đối thoại của Chủ tịch Hội đồng Bảo an để duy trì sự đồng thuận, đoàn kết của thành viên Hội đồng trong suốt tháng Chủ tịch do Việt Nam đảm nhiệm.

Thứ hai, bằng quan điểm, lập trường hết sức xây dựng, căn cứ vào Hiến chương Liên hợp quốc, vào luật pháp quốc tế, chúng ta đã nêu rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề xem xét thảo luận tại Hội đồng Bảo an để thúc đẩy đối thoại, gia tăng sự tin cậy, cố gắng giải quyết các xung đột đang xảy ra trên thế giới.

Thứ ba, Việt Nam đã có những sáng kiến, đề xuất tại 3 phiên thảo luận cấp cao về ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột và xử lý hậu quả xung đột. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 19-4 đã chủ trì phiên thảo luận mở cấp cao về chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột”.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì 2 phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng ngày 8-4 với chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” và ngày 27-4 với chủ đề "Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang”. Các phiên họp đều diễn ra thành công, nhận được sự quan tâm của các nước, đồng thời thông qua được nhiều văn kiện quan trọng.

- Vậy, nguyên nhân dẫn đến những thành công kể trên là gì, thưa ông?

- Yếu tố quan trọng nhất là sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng của chúng ta. Bên cạnh đó là sự ủng hộ của các nước thành viên Hội đồng Bảo an dành cho Việt Nam. Sự ủng hộ này cho thấy các nước đặc biệt coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam trong thời gian qua.

Các sáng kiến, hoạt động của chúng ta trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương. Ngay trước tháng Chủ tịch, ngày 27-3, Bộ Quốc phòng đã triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.


Quang cảnh phiên họp tổng kết.

- Xin ông cho biết, Việt Nam đã gặp phải những khó khăn nào trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an?

- Việt Nam phải điều phối, điều hòa quan điểm khác nhau của các nhóm nước, đặc biệt là các nước lớn. Với vai trò Chủ tịch, chúng ta phải điều hòa các quan điểm đó để làm sao đạt được đồng thuận chung trong giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra. Điều này luôn là thách thức với bất kỳ Chủ tịch nào và đương nhiên chúng ta không tránh khỏi những khó khăn đó.

Để đạt được thành công trong việc đề xuất, thúc đẩy các ưu tiên và sáng kiến trong tháng Chủ tịch vừa qua cũng không đơn giản. Mặc dù là quan tâm chung nhưng đây đều là những vấn đề mới, còn có nhiều khác biệt khi đi vào cụ thể. Nhưng đáng mừng là chúng ta đã vượt qua những khó khăn đó, để trong suốt tháng Chủ tịch, tất cả các nước đều rất đồng thuận, nhất trí xem xét giải quyết các vấn đề đặt ra; cả 10 văn kiện đều được Hội đồng Bảo an thông qua với tỷ lệ tuyệt đối 15/15 phiếu.

- Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam cần phải làm gì để phát huy các thành công đã đạt được trong tháng Chủ tịch 4-2021, thưa ông?

- Từ nay đến hết năm 2021 còn một chặng đường dài, nhất là tình hình khu vực và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, khó lường. Với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với mong muốn đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an nói riêng và của Liên hợp quốc nói chung, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các nước tìm giải pháp để duy trì môi trường hòa bình, an ninh quốc tế. Đây là mục tiêu chung và xuyên suốt từ nay đến hết năm 2021 mà chúng ta sẽ triển khai.

Trong quá trình đó, điều quan trọng nhất là làm sao cố gắng để Hội đồng Bảo an có sự đoàn kết, đồng thuận. Đối với các vấn đề phức tạp tại Hội đồng Bảo an, chúng ta vừa cần kiên định lập trường nguyên tắc, bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa xử lý khéo léo, thỏa đáng nhằm thúc đẩy văn hóa đối thoại, đoàn kết và đồng thuận, tích cực đóng góp để các quyết định của Hội đồng Bảo an phải được dựa trên nền tảng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trên hết, Việt Nam mong muốn Hội đồng Bảo an tiếp tục là cơ quan quan trọng nhất trong duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn ông! 

Ngày 29-4 (giờ Mỹ), Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã chủ trì phiên họp tổng kết các hoạt động trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4-2021. Phiên họp tổng kết thu hút hơn 70 đại diện quốc gia thành viên, quan sát viên Liên hợp quốc tham dự, trong đó có đại sứ, trưởng phái đoàn nhiều nước. Phát biểu tại phiên họp tổng kết, đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc đánh giá cao các hoạt động ưu tiên của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam thúc đẩy sự quan tâm của Hội đồng Bảo an tới khía cạnh nhân đạo và bảo vệ thường dân.

(HNMO)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.

Điểm dân cư liền kề nằm cách Chốt dân quân biên giới Bến Cừ chỉ 300 m, tạo cơ sở hậu phương vững chắc cho các dân quân yên tâm trong công tác bảo vệ biên giới quốc gia.

Quy định hỗ trợ tài chính trong Khu kinh tế - quốc phòng; 99 biểu mẫu mới trong đăng ký doanh nghiệp; yêu cầu về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá; quy định về chứng từ điện tử trong giao dịch thuế điện tử… là những văn bản mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19.

Sáng nay, 30/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng chống COVID-19 khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp.

Quang cảnh Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”.

Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2021), sáng 30/4, tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Kỳ đài Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục