Từ ngày xửa, ngày xưa đạo làm người của người Việt Nam là người trung quân, ái quốc; là "Lá lành đùm lá rách”; là "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Đến thời đại Hồ Chí Minh đạo làm người được nâng lên một tầm cao mới, đó là: trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa; là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; là hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; là đoàn kết trên dưới một lòng, là biết trọng tình thương và lẽ phải…
Những chuẩn mực đạo đức ấy được hun đúc và trở thành nếp nghĩ, nếp sống hàng ngày. Từ khi nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra đời, những chuẩn mực đạo đức làm báo dần dần được hình thành và ngày càng hoàn thiện với tầm cao mới.
Ngay từ những ngày đầu khi nền báo chí cách mạng ra đời, từ lớp viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng, Bác Hồ đã khơi dậy trong những người viết báo cách mạng đạo đức làm báo là phải phụng sự Tổ quốc, phục vụ đại đa số nhân dân. Nhiều lần Người dạy các nhà báo là trước khi đặt bút viết phải tự đặt cho mình câu hỏi: "Viết để làm gì? Viết cho ai đọc, ai xem”, và Người tự trả lời "viết để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; viết cho cán bộ, đảng viên và đại đa số nhân dân xem”.
Người khẳng định một chân lý giản đơn: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Có thể nói được rằng, đạo làm báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh bồi đắp, ngày càng hoàn thiện và đạt tới đỉnh cao được đội ngũ những người làm báo cách mạng thể hiện rất phong phú và sinh động trong nếp nghĩ, nếp sống hàng ngày.
Từ Đại hội lần thứ V, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng những quy ước về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Qua mỗi kỳ đại hội, những quy ước dần dần được bổ sung, hoàn thiện để trở thành chuẩn mực đạo đức của những người làm báo.
Đến Đại hội lần thứ X, Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ngày 15/12/2016. Đây là một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống báo chí nước ta.
Quy định gồm 10 điều, trước hết và trên hết là quy định về lòng trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; thứ đến là nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải, không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật; tôn trọng quyền con người; không xâm phạm đời tư, làm tổn hại nhân phẩm, danh dự và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Nhìn lại 96 năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những thành tựu to lớn và có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng và các loại hình báo chí. Hiện nay, đất nước ta có một lực lượng báo chí hùng hậu với hơn 920 tờ báo.
Đội ngũ những người làm báo lên tới 18.000 người. Với Yên Bái, có 3 cơ quan báo chí và 7 văn phòng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương; mỗi cơ quan báo chí lại phát triển giống như một tập đoàn truyền thông với đa phương tiện.
Như báo in, báo nói, báo điện tử, truyền hình Internet; đội ngũ các nhà báo của tỉnh lên tới gần 200 người. Lực lượng báo chí này đang hàng ngày, hàng giờ chuyển tải một lượng thông tin khổng lồ đến với công chúng trong nước và quốc tế. Báo chí và đội ngũ những người làm báo phát triển và hoạt động cùng với dòng chảy của lịch sử.
Tuyệt đại đa số các nhà báo thể hiện đầy đủ phẩm chất chính trị trong hoạt động nghề nghiệp và là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí. Phẩm chất hàng đầu của các nhà báo cách mạng là lòng trung thành với Đảng, với đất nước, với nhân dân, sẵn sàng dấn thân trong cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều nhà báo đã hy sinh hoặc hiến dâng một phần xương máu cho đất nước, Yên Bái có hai nhà báo là Phạm Ngọc Đại và Bùi Nguyên Khiết anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và đã trở thành tấm gương sáng ngời trong đội ngũ những người cầm bút viết báo.
Trên mặt trận không có tiếng súng nhưng không ít cam go và quyết liệt, nhiều nhà báo một lần nữa lại thể hiện tinh thần dấn thân, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp báo chí. Tinh thần chiến đấu của báo chí thể hiện rõ khi có nhiều nhà báo đi tiên phong trong cuộc đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải, khẳng định những nhân tố mới, điển hình mới.
Với bản lĩnh chính trị và năng lực nghiệp vụ vững vàng và phẩm chất, bản lĩnh chính trị đã dũng cảm đứng lên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ; kiên quyết đấu tranh và đeo bám đến cùng trong việc phanh phui những hiện tượng tiêu cực, những suy thoái về tư tưởng và đạo đức, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch và vững mạnh, đủ uy tín và trí tuệ lãnh đạo đưa đất nước trở thành phồn vinh, hạnh phúc.
Trong hơn 30 năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, với tinh thần trung thực, bảo vệ chân lý và lẽ phải, báo chí đã phanh phui đưa ra trước ánh sáng rất nhiều vụ việc tham nhũng hối lộ, suy thoái về tư tưởng và đạo đức với tinh thần không có vùng cầm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Có thể nói được rằng, trong số mấy chục cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, không ít người bị đưa ra truy tố trước pháp luật đều có công lao phanh phui phát hiện của các nhà báo. Cuộc đấu tranh này không ít cam go và hiểm nguy không kém gì trên mặt trận có tiếng súng.
Đó là những minh chứng hùng hồn cho thấy đạo đức nghề báo đã thấm sâu và trở thành lẽ sống hàng ngày của những người làm báo cách mạng. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang hoành hành gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng trên thế giới, hàng trăm triệu người nhiễm dịch, gần 4 triệu người tử vong, các nhà báo lại dấn thân; có mặt ở các ổ dịch để phản ánh tinh thần chiến đấu quyết liệt của các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch với tinh thần chống dịch như chống giặc.
Hàng ngày, hàng giờ, các nhà báo truyền tải một lượng thông tin rất lớn về quyết tâm, kinh nghiệm chống dịch và về những tấm gương đầy xúc động, động viên mọi người đã dũng cảm càng dũng cảm hơn, đã thần tốc càng thần tốc hơn trước những hiểm nguy lây lan đe dọa tính mạng con người. Đó là những tấm gương tiêu biểu cho đạo đức báo chí.
Cần phải nói thêm rằng những quy ước, những chuẩn mực về đạo đức xã hội cũng như đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chưa phải là luật pháp nên không mang tính bắt buộc mà là sự tự nguyện, tự tuân thủ của mỗi người.
Những ai thực hiện đúng đắn được đồng nghiệp, được cơ quan báo chí biểu dương, được nhân dân quý mến, ai vi phạm những chuẩn mực đạo đức ấy trước là lương tâm cấu xé, đồng nghiệp chê cười, nếu nặng hơn bị cơ quan, đơn vị xử lý kỷ luật hoặc bị đào thải. Cho nên tuyệt đại những người làm báo giữ gìn được đạo đức nghề nghiệp là tự hào của những người làm báo.
Tuy nhiên, trước những thách thức và biến đổi của xã hội, trong mấy năm gần đây đã xuất hiện những hiện tượng đáng lo ngại, đó là có một số nhà báo suy thoái về tư tưởng và đạo đức báo chí đã có hành vi chống phá Nhà nước, xuyên tạc, bịa đặt, kích động đã bị pháp luật xử lý; một số khác đang làm báo ở các cơ quan báo chí vi phạm tôn chỉ, mục đích của tờ báo, một số ít có biểu hiện "nhà báo hai mặt” những tác phẩm biết cho cơ quan thì đúng đắn, nhưng lại có những tác phẩm trên mạng xã hội thì sai phạm, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt với những luận điệu sai trái.
Mặc dù số những nhà báo suy thoái về tư tưởng đạo đức ấy không nhiều nhưng đã gây nên những tác động xấu đến uy tín, danh dự của những nhà báo chân chính. Có thể nhìn ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, là bản thân các nhà báo ấy thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị và đạo đức.
Mặt khác, phải nói đến là họ tự cao, tự đại, là thói a dua với các phần tử bất mãn muốn trở nên nổi tiếng. Cũng phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan báo chí, của tổ chức Hội chưa thường xuyên quan tâm đúng mức đến việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ những người làm báo một cách thường xuyên. Cuối cùng, phải nói đến là do tác động của một số người làm báo phản động, thù địch kích động họ, lôi kéo họ.
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phát huy thành tựu vẻ vang của báo chí cách mạng, giương cao ngọn cờ tư tưởng là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa và tư tưởng của Đảng, ra sức tu dưỡng rèn luyện, biến những chuẩn mực đạo đức báo chí thành lẽ sống và hành động hàng ngày của người làm báo, kiên quyết loại bỏ những người làm báo suy thoái về tư tưởng, đạo đức ra khỏi đội ngũ những người làm báo cách mạng.
Hải Đường