Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 26/6 hằng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” (PCMT) nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về công tác PCMT và tác hại của tệ nạn ma túy để tăng cường đấu tranh PCMT trong cộng đồng.
Nếu như trước kia, ma túy chỉ là nhóm thuốc gây nghiện như thuốc phiện, heroine, morphine… thì nay, chủng loại và dạng thức của ma túy đã được biến hóa thành ketamine, cần sa, lá khát, khí cười, nấm thần…, hình thức sử dụng cũng chuyển từ hút, hít sang tiêm chích, uống ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần. Thành phần đối tượng nghiện cũng đa dạng hơn, không riêng đối tượng trình độ văn hóa thấp, không nghề nghiệp, có tiền án, tiền sự… mà còn có cả học sinh, sinh viên, thậm chí cả một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động với độ tuổi ngày càng trẻ hóa.
Các học viên tại Trung tâm Cai nghiện tỉnh trong giờ học nghề mộc dân dụng.
Thực tế đó khiến các cấp, các ngành và toàn xã hội phải tích cực hơn, quyết liệt hơn trong công tác đấu tranh PCMT. Mặc dù trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có những tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoạt động công khai, trắng trợn, nhưng hoạt động của tội phạm ma túy ở các tỉnh giáp ranh trên tuyến Tây Bắc vẫn đang ngày càng gia tăng cả về tính chất phức tạp và mức độ nguy hiểm.
Đặc biệt, số người nghiện ngoài xã hội còn nhiều, đồng nghĩa với nhu cầu cung cấp ma túy bất hợp pháp cho các đối tượng nghiện còn lớn. Vì vậy, tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn phức tạp, nhất là tại các thị trấn, thị xã và thành phố.
Với chức năng là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh PCMT và triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 83 vụ, 134 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.433,86 gam heroin, 343,3 gam ma túy tổng hợp, 705 gam thuốc phiện, trên 700 gam cần sa, 3,2 kg cây cần sa tươi, 4,5 kg quả thuốc phiện tươi, trên 712 triệu đồng, 3 xe ô tô, 19 xe mô tô, 76 điện thoại di động cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến hoạt động phạm tội. Toàn tỉnh đã tiến hành khởi tố điều tra 82 vụ, 109 bị can, xử lý hành chính 1 vụ, 22 đối tượng. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh đã lập cáo trạng truy tố chuyển Tòa án xét xử 75/88 bị cáo.
Đồng thời, phối hợp với tòa án nhân dân tỉnh đưa 4 vụ án ma túy ra xét xử lưu động tại địa phương có nhiều tội phạm ma túy xảy ra. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái đã thụ lý 96 vụ, 119 bị cáo, xét xử 76 vụ, 92 bị cáo, đạt tỷ lệ 79%. Hầu hết các tội phạm về ma túy được phát hiện, khởi tố kịp thời, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, công tác quản lý và kiểm soát tiền chất được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, sử dụng các chất gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất sử dụng trong lĩnh vực y tế, sản xuất công nghiệp, thương mại.
Được biết, 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Yên Bái đã rà soát, lập hồ sơ quản lý 3.160 người nghiện; đưa vào cơ sở cai nghiện 127 trường hợp, bắt, truy tố 32 trường hợp, cai khỏi cho gần 300 trường hợp. Hiện, 2.673 người nghiện toàn tỉnh đã có hồ sơ quản lý. Trong đó, tại cơ sở cai nghiện là 426 người; tại trại tạm giam 117 người, còn trên 2.000 người ngoài xã hội. Số học viên tiếp nhận mới vào cơ sở cai nghiện ma túy là 129 người, đạt gần 65% kế hoạch giao.
Việc triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại các cơ sở điều trị được thực hiện nghiêm túc. Các cơ sở trên địa bàn tỉnh đang điều trị cho trên 1.000 bệnh nhân, tăng 21 người so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, có 1.017 bệnh nhân điều trị bằng Methadone và 62 bệnh nhân điều trị bằng Buprenorphine. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của tỉnh tăng cường bám địa bàn, rà soát, phát hiện và phá bỏ 1.205m2 trồng cây thuốc phiện. Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án của Trung ương và địa phương.
Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao và các xã đặc biệt khó khăn; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, định canh, định cư; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. UBND tỉnh cũng chỉ đạo sát sao công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy gắn với thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và "Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về PCMT; hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới. Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình nói chuyện chuyên đề về ma túy cho học sinh, sinh viên; phát động trong học sinh, sinh viên "Chung tay nói không với ma túy, vì chính bạn và cộng đồng”… Đến nay đã có 26/173 xã, phường, thị trấn trong tỉnh không có tệ nạn ma túy.
Góp phần làm lan tỏa mạnh mẽ Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở mỗi địa bàn, khu dân cư, tổ dân phố, hưởng ứng Tháng hành động PCMT, cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã, đang chủ động đồng loạt mở đợt tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân ý thức về tác hại của ma túy, tạo được phong trào phòng ngừa, đấu tranh PCMT trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh PCMT.
Đặc biệt, trong quản lý, xử lý người nghiện, các cơ quan chức năng cần tăng cường lập hồ sơ tổ chức cai nghiện ma túy, rà soát quản lý số đối tượng tù tha, tái hòa nhập cộng đồng; kiên trì gọi hỏi, răn đe các đối tượng nghiện hút cũng như đối tượng sau cai nghiện chưa có việc làm ổn định, chủ động phòng ngừa không để các đối tượng phạm tội, tái nghiện hoặc bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động gây mất trật tự địa phương.
NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO THANH THIẾU NIÊN
Theo đánh giá của các ngành chức năng, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến rất phức tạp, trong đó tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung ở thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Thực tế cho thấy, thanh thiếu niên (TTN) tìm đến ma túy vì nhiều lý do. Tuổi thanh thiếu niên là tuổi tò mò và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Việc sử dụng ma túy ở lứa tuổi này, phần lớn chỉ là để thử, cũng có thể là do sự khiêu khích của bạn bè, bắt chước người lớn, đôi khi là tâm lý muốn thể hiện mình. Một số trường hợp là do cha mẹ ít quan tâm chăm sóc, buông lỏng quản lý, thiếu kiến thức về ma túy, vô tình tạo kẽ hở để ma túy tấn công vào chính con em mình.
Bên cạnh đó, do môi trường sống có người sử dụng ma túy; học sinh không thích nghi ở trường; có khó khăn ở nhà; không đạt được kỳ vọng; căng thẳng cá nhân, hoặc bị chấn thương cũng là nguyên nhân đẩy các em đến với ma túy.
Truyền thông về công tác phòng, chống ma túy ở huyện Trạm Tấu.
Cô giáo Lê Thu Trang – giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Điều đáng lo ngại là nhiều em học sinh vẫn còn hiểu biết sai lầm về tác hại của ma túy, cho rằng sử dụng ma túy khiến tinh thần tỉnh táo, vui vẻ, lạc quan; sử dụng ma túy một lần thì không gây nghiện và không nguy hiểm. Do đó, đây là nguyên nhân khiến các em dễ dàng mắc vào cái bẫy của ma túy”.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó độ tuổi dưới 16 chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%. Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 - 25 tuổi và còn có nhiều em độ tuổi từ 13 - 14.
Để góp phần giảm thiểu những tác động của ma túy đến đời sống xã hội nói chung và đối tượng TTN nói riêng, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện như: ra mắt các "Khu dân cư không có TTN mắc tệ nạn xã hội’’; duy trì hoạt động hiệu quả mô hình các câu lạc bộ: "Tuổi trẻ pháp luật”, "Thôn, bản, xã, phường không có TTN nghiện ma túy”; đẩy mạnh hoạt động cảm hóa, giúp đỡ TTN sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng; phát động Phong trào toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm ma túy... Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến rất phức tạp.
Thời gian tới, các ban, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục phát huy những cách làm hay, sáng tạo trong công tác phòng, chống ma túy như: tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho TTN trong nhà trường về ma túy, kỹ năng phòng tránh ma túy, giúp các em có thông tin chính xác, kịp thời, từ đó có những quyết định đúng đắn; tăng cường các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh, bổ ích phù hợp với từng lứa tuổi, nhằm tạo ra các sân chơi bổ ích giúp TTN tránh xa các tệ nạn xã hội; tăng cường các hoạt động giáo dục trực tiếp, lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa của trường học, xã, phường nhằm giúp cộng đồng có hiểu biết đầy đủ về ma túy. Các nhà trường nên tổ chức ký cam kết cho học sinh "không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội”.
Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, đấu tranh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy...
ĐIỂM SÁNG TRONG ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM MA TÚY
Những năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Lục Yên cơ bản ổn định, tình hình tội phạm từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, trước sự xâm nhập của nhiều loại ma túy tổng hợp mới, các đối tượng nghiện lén lút trao đổi, mua bán ma túy… Công an huyện Lục Yên đã tích cực phối hợp, chủ động tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, bám sát cơ sở trong đấu tranh, phòng, chống, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng với nhiều cách làm quyết liệt, hiệu quả.
Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Lục Yên triển khai công tác nghiệp vụ.
Tháng 11/2020, tại thôn Ngòi Lâu, xã Minh Xuân, Công an huyện Lục Yên đã phát hiện, bắt quả tang Hoàng Ngọc Viện, sinh năm 1975 và 2 đối tượng khác đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 2,2 gam hê-rô-in.
Tháng 12/2020, Công an huyện Lục Yên bắt quả tang đối tượng Chương Văn Cường, sinh năm 1988 và Hoàng Văn Tùng, sinh năm 1966 cùng 2 đối tượng khác đang có hành vi tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy tại thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng thu giữ 0,006 gam Methamphetamin.
Tháng 6/2021, Công an huyện Lục Yên bắt quả tang đối tượng Trần Xuân Thuận sinh năm 1969 về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại thôn Tân Quang, xã Liễu Đô, thu giữ 0,41 gam hê-rô-in và hơn 7 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tang vật khác...
Liên tiếp các vụ án ma túy được Công an huyện Lục Yên phát hiện, bắt giữ, triệt phá đã cho thấy sự quyết liệt, hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm (PCMT), tội phạm ma túy, không để tồn tại các điểm, tụ điểm "nóng”, góp phần tích cực đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Lục Yên cho biết: "Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện những năm qua diễn ra khá phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. Đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng trẻ hóa, đã xuất hiện đối tượng nữ giới sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp.
Mặt khác, Lục Yên là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế... Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm này, Công an huyện chú trọng công tác nghiệp vụ cơ bản; đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, tội phạm ma túy, nâng cao tính răn đe; chú trọng công tác nắm tình hình địa bàn, rà soát số người nghiện, số điểm bán lẻ, đường dây mua bán các chất ma túy; xây dựng kế hoạch, chuyên án để đấu tranh, bóc gỡ từng điểm, từng đối tượng, đường dây”.
Được biết, huyện Lục Yên hiện có 76 người nghiện có hồ sơ quản lý; 80 người nghiện đang điều trị bằng Methadone. Từ năm 2020 đến nay, Công an huyện phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCMT cho trên 1.700 cán bộ, học sinh, nhân dân trên địa bàn; 6 tháng đầu năm 2021, chưa xuất hiện đối tượng ma túy manh động, "ngáo đá”…
Hưởng ứng Tháng hành động PCMT năm 2021 với chủ đề "Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”; Ngày toàn dân PCMT 26/6, Công an huyện Lục Yên đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát động Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhất là ở những vùng trọng điểm; tổ chức tốt việc ký kết PCMT tại các xã, thị trấn, các khu dân cư và từng gia đình; phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền cho học sinh hiểu rõ tác hại của ma túy và cách PCMT…
Bên cạnh đó, Công an huyện tích cực tham mưu tổ chức tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn; quản lý tốt người nghiện sau cai; hạn chế người nghiện ma túy vi phạm pháp luật và tái nghiện; đẩy mạnh công tác nắm tình hình ở các cụm dân cư, truy bắt các đối tượng truy nã lẩn trốn tại địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện Đề án "Xây dựng xã, phường thị trấn không tệ nạn ma túy”; "Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng mathadone”; các mô hình hỗ trợ người cai nghiện có hiệu quả tại cộng đồng. Đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tội phạm và tệ nạn ma túy, ngoài sự quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, rất cần có sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, mỗi người dân phải là một thành viên tích cực trong cuộc chiến chống ma túy ở địa phương.
CHUNG TAY ĐẨY LÙI MA TÚY
Chị Đặng Thị Hồng Duyên - Bí thư Đoàn phường Nam Cường, thành phố Yên Bái:
Để công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả, tới đây chúng tôi tiếp tục tổ chức các diễn đàn, buổi tọa đàm, chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, ra quân tuyên truyền phòng, chống ma túy. Đồng thời, vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hoá, giúp đỡ, giáo dục thanh thiếu niên sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng; giúp đỡ thanh niên chậm tiến trở thành công dân tốt, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Giàng A Tu - Bí thư Chi bộ thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu:
Những năm gần đây, trên địa bàn thôn không phát sinh người nghiện mới. Kết quả này có được là do cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Để giữ vững địa bàn không ma túy, Chi bộ tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện thật tốt các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; đưa nội dung phòng, chống ma túy vào quy ước, hương ước của thôn; tạo điều kiện, giúp đỡ người nghiện cai nghiện thành công...
Em Nguyễn Công Thành - học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái:
Chúng cháu mong muốn tiếp tục được tham gia nhiều "sân chơi” bổ ích do nhà trường và khu dân cư tổ chức để hiểu rõ hơn về ma túy và có kỹ năng phòng, chống ma túy. Từ đó, không tham gia sử dụng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; tuyên truyền các bạn trẻ không nghe lời xúi giục, lôi kéo sử dụng ma túy và các tệ nạn xã hội khác. |
Thanh Hương - Hồng Oanh - Mai Linh (thực hiện)