Chiều nay - 23/7, sau khi nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ.
Chương trình gồm 4 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện 90.260 tỷ đồng với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt qua mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, thị trường lao động đồng bộ, giảm bất bình đẳng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững...
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 gồm 11 nội dung thành phần và các đề án chương trình, dự án, nhiệm vụ. Chương trình nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới…
Thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái thống nhất cao về chủ trương ban hành 2 nghị quyết cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung cơ bản tiếp cận đối với các lĩnh vực và các đề án thành phần.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị rà soát lại một số chỉ tiêu. Đối với chương trình giảm nghèo, đại biểu cho rằng nên đưa ra mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025, nếu đưa ra cho đến năm 2030 thì chưa có cơ sở thuyết phục vì các nội dung của chương trình, nguồn lực chúng ta chỉ xác định cho giai đoạn đến 2025.
Viện dẫn số liệu báo cáo thẩm tra, đại biểu bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu đến năm 2025 có 60% thôn bản, thôn ấp ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển hoàn thành mục tiêu xây dựng thôn nông thôn mới. Đại biểu cho biết: "Các xã không nằm trong địa bàn đặc biệt khó khăn đã cơ bản về đích nông thôn mới hoặc đã đạt được khoảng 15 tiêu chí; các xã đặc biệt khó khăn, số tiêu chí đạt được rất thấp”.
Có cơ chế rõ ràng để thực hiện lồng ghép các chương trình
Thống nhất quan điểm và giải pháp đưa ra là thực hiện theo hướng lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này, đại biểu cho rằng, vấn đề là trong quá trình thực hiện Chính phủ cần quy định rõ tiêu chí, đối tượng, nội dung, phương thức hỗ trợ và quy định, có cơ chế rõ ràng để thực hiện lồng ghép các chương trình.
Cho rằng, nếu tiếp cận theo từng chương trình độc lập thì nguồn lực hạn chế, đầu tư manh mún; nếu tích hợp các chương trình sẽ lồng ghép thực hiện các mục tiêu lớn hơn, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần có hướng dẫn về cơ chế thực hiện lồng ghép các chương trình và cho phép các địa phương triển khai trong một dự án, sử dụng nguồn lực của các chương trình.
"Chính phủ nên quy định để thực hiện cơ chế và giao cho địa phương thẩm quyền để chủ động thực hiện lồng ghép một dự án dùng nhiều nguồn vốn” – ông Duy nói.
Giảm dần hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo để chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện
Đồng tình với các đại biểu về một số chính sách hỗ trợ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng đối với hộ nghèo cần giảm dần hỗ trợ trực tiếp mà nên chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện. Đồng thời có phân tách đối tượng nghèo xã hội với đối tượng nghèo thông thường, đối với các hộ đã thoát nghèo cũng cân nhắc chấm dứt chính sách hỗ trợ an sinh xã hội.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì nên chỉ ưu tiên hỗ trợ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hỗ trợ cho hợp tác xã, doanh nghiệp, các hộ tham gia dự án sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị. Còn đối với việc hỗ trợ các hộ nhỏ lẻ thì dùng chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế của chương trình giảm nghèo. Như vậy, các chương trình sẽ bổ trợ cho nhau và hiệu quả sẽ cao hơn.
Đồng thời với việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia này, đại biểu kiến nghị Chính phủ có rà soát, điều chỉnh bổ sung một số chính sách mặc dù không thuộc phạm vi của chương trình nhưng có tác động đến việc thực hiện chương trình.
Chung mong muốn với một số đại biểu trong tổ thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị: "Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn ngay sau khi Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư và mong muốn có thể ban hành xong trong năm 2021 để chúng ta sớm triển khai thực hiện chương trình, trong đó nên dành quyền chủ động cho địa phương…”.
Minh Quang (lược ghi)