Từ nhỏ chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào sống cơ cực, lầm than dưới ách quân xâm lược, đồng chí đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt và vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Nam bộ, đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1923, do tham gia đấu tranh chống chính quyền thực dân thu thuế sát sinh vô lý cùng nông dân nên đồng chí Võ Văn Tần bị thực dân Pháp bắt giam khép tội "cầm đầu các cuộc chống đối” nhưng không có chứng cớ để khép án, thực dân buộc phải trả tự do. Sau khi được trả tự do, đồng chí tham gia nhiều cuộc bàn luận về lịch sử, về chính trị thời cuộc, về phong trào Cần Vương... Năm 1926, đồng chí Võ Văn Tần gia nhập Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng).
Tháng 8/1929, đồng chí Võ Văn Tần gia nhập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, trực tiếp vận động và thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở làng Đức Hòa, gồm 7 hội viên do đồng chí làm Bí thư (chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Chợ Lớn xưa, ngày nay thuộc tỉnh Long An). Từ năm 1930 - 1931, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp tham gia và phụ trách các cuộc biểu tình ở Chợ Lớn, Gia Định, đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân vô cớ.
Tháng 6/1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Tháng 6/1932, đồng chí đứng ra thành lập cơ quan Liên huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa và tổ chức viết báo "Cờ lãnh đạo” (sau này được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ) để vận động, phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ để tổ chức đấu tranh. Cuối năm 1932, đồng chí Võ Văn Tần chuyển sang làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo "Lao động” để tuyên truyền hướng dẫn giáo dục đảng viên và giác ngộ quyền lợi giai cấp cho quần chúng lao động.
Từ năm 1933 - 1934, đồng chí Võ Văn Tần vận động, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở các tỉnh miền Tây, chỉ đạo việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Mỹ Tho. Tháng 11/1935, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ. Tháng 3/1937, đồng chí Võ Văn Tần được chỉ định giữ trách nhiệm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương. Tháng 3/1938 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Ngày 14/7/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt khi đang họp bàn ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân thuộc huyện Hóc Môn, Bà Điểm). Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến ra xử bắn công khai tại khu giếng nước (nay là bệnh viện) Hóc Môn. Trước lúc hy sinh, các đồng chí đều dũng cảm hô vang khẩu hiệu "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, kêu gọi đồng bào tiếp tục đấu tranh chống đế quốc, giành tự do độc lập.
Trên mọi cương vị công tác từ Bí thư Chi bộ, Bí thư Quận ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có những cống hiến sắc bén về tư duy và những định hướng lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí; luôn quan tâm giáo dục, giúp đỡ cán bộ, đảng viên; luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, đồng chí luôn giải thích cặn kẽ mặt đúng, mặt sai để rút kinh nghiệm, căn dặn cán bộ phải luôn cảnh giác, phải tự rèn luyện cho mình đạo đức cách mạng, vì dân, vì nước. Suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở đâu, đến đâu hay trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Văn Tần đều nhận được những tình cảm trân trọng, quý mến, sự giúp đỡ vô tư, chí tình của đồng chí, đồng bào.
50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời vì dân, vì nước.
Với phương pháp, nguyên tắc và kinh nghiệm hoạt động bí mật; linh hoạt, sáng tạo và sâu sát với quần chúng; sự hiểu biết thực tiễn sâu sắc, tư duy sắc sảo và kiên định, đồng chí Võ Văn Tần đã gợi mở cho Đảng hình thành nên các hình thức tổ chức và hoạt động thích hợp trong quá trình lãnh đạo phong trào quần chúng rộng lớn, chuẩn bị tới cao trào cách mạng 1939 - 1945.
(Theo baosonla)