Chất vấn phải tập trung vào vấn đề bức xúc nhất là chống dịch
Nêu kế hoạch dự kiến bước đầu chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10/2021), Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu 2 phương án tổ chức kỳ họp.
Phương án 1, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ nếu tình hình dịch bệnh phức tạp. Phương án 2, Quốc hội họp trực tuyến kết hợp họp tập trung tại nhà Quốc hội. Ở cả 2 phương án, thời lượng làm việc của Quốc hội đều là 17 ngày, dự kiến khai mạc ngày 20/10, bế mạc vào ngày 10/11.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tình hình dịch bệnh như hiện nay, Quốc hội nên họp trực tuyến cả kỳ. Trong khi đó, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị chọn phương án kết hợp để đại biểu có cơ hội thảo luận, phát biểu chính kiến về các vấn đề quan trọng như Nghị quyết về dầu khí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Chủ nhiệm UB Xã hội Nguyễn Thúy Anh lại cho rằng cần phải xây dựng 3 phương án, tùy theo tình hình dịch bệnh chứ không nên đưa phương án 1 - 2 như dự kiến của Tổng thư ký Quốc hội. Theo đó, phương án cần bổ sung thêm là Quốc hội họp trực tiếp cả kỳ như bình thường.
Theo ông Định, đây phải là phương án đặt lên trên hết, để phấn đấu kiểm soát tốt dịch bệnh và họp Quốc hội tập trung tại Nhà Quốc hội, có khai mạc, chất vấn, truyền hình trực tiếp như bình thường.
Phương án 2, theo ông Định, khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn, một số địa phương đã tốt, thì kết hợp, vừa trực tuyến, vừa trực tiếp. Trong đó, phần họp trực tiếp sẽ dành cho các nội dung mật và chất vấn. Phương án 3, trong trường hợp tình hình dịch bệnh như hiện nay, thậm chí trầm trọng hơn thì họp trực tuyến toàn bộ.
Trao đổi thêm về việc lên phương án tổ chức kỳ họp thứ hai, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Quang Thuấn nói, từ nay tới thời điểm khai mạc kỳ họp, Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch và có đề xuất cụ thể vào thời điểm gần sát kỳ họp.
Đi vào nội dung cụ thể, về phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề, nên hay không tổ chức hoạt động này trong chương trình.
"Nếu dịch bệnh phức tạp thì để cho các Bộ trưởng tập trung vào chống dịch chứ bây giờ chất vấn thì các Bộ trưởng cũng rất quan ngại về nội dung này. Tùy theo diễn biến của dịch bệnh thì Quốc hội cũng nên cân nhắc để ưu tiên cho chống dịch nhiều hơn" - ông Thanh kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, nếu các Bộ trưởng như Y tế, Công Thương bận chống dịch thì có thể chọn các Bộ trưởng "không bận" trực tiếp chống dịch để chất vấn.
Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lại cho rằng, đã chất vấn cần phải tập trung vào những vấn đề bức xúc, thực tế đòi hỏi mà bức xúc nhất hiện nay là việc chống dịch.
"Tôi nghĩ các Bộ trưởng Y tế, Công an, Quốc phòng đang tập trung chống dịch cũng có thể được chất vấn. Nhất là trong bối cảnh Quốc hội vừa có Nghị quyết 30 giao quyền cho Chính phủ thì chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Việc chọn những Bộ trưởng "không bận" thì sẽ không đáp ứng được những vấn đề bức xúc nhất hiện nay" - ông Phương lập luận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau đó cũng cho rằng, việc có chất vấn hay không, chất vấn Bộ trưởng nào, nội dung nào sẽ được UB Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc; song không thể nói Bộ trưởng, Trưởng ngành bận được.
72% người dân hài lòng việc chọn bộ máy lãnh đạo nhà nước
Tại phiên thảo luận, đánh giá thêm về kết quả kỳ họp thứ nhất diễn ra tháng trước, công tác nhân sự là nội dung được quan tâm.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, dư luận cử tri của UB Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri và nhân dân cả nước thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, lựa chọn những cán bộ uy tín nhất, tiêu biểu nhất về trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng phát triển đất nước để bầu vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước ở Trung ương.
Cử tri kỳ vọng các lãnh đạo mới được bầu và phê chuẩn, với cương vị người đứng đầu bộ máy nhà nước tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đòi hỏi của người dân là những nhân sự được chọn tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, tích cực lắng nghe, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển, mạnh mẽ bứt phá trong thời gian tới.
Các chức danh lãnh đạo chủ chốt thì cần quyết tâm thực hiện bằng được lời tuyên thệ trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước.
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kết quả thăm dò dư luận của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, 72% người dân bày tỏ sự hài lòng với kết quả bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ mới.
(Theo Dân Trí)