Sáng 14/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết quả công tác năm 2021 và Kế hoạch kiểm toán năm 2022 của KTNN.
Nhiều cuộc kiểm toán phải dừng do COVID-19
Báo cáo UBTVQH, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, việc triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2021 quyết liệt, linh hoạt, thích ứng nhanh với sự thay đổi, ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đến 31/8/2021, toàn Ngành đã triển khai 144/211 đoàn kiểm toán, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 báo cáo kiểm toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đoàn đang triển khai phải dừng thực hiện (37 đoàn). Tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật (gồm: 01 Luật, 04 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 10 Thông tư và 49 văn bản khác).
Trong 8 tháng đầu năm 2021, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 151 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương tình công tác.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2021, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỷ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều đơn vị KTNN không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến. Trong 04 tháng còn lại của năm 2021, KTNN sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2022 theo Luật.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhận định, tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2021 thấp hơn so với các năm trước. "Đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung, làm rõ chi tiết danh mục các văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế; bổ sung báo cáo việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng từ những năm trước; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và cung cấp danh sách cụ thể các cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước qua từng năm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.
Công khai là "vũ khí" quan trọng của hoạt động kiểm toán
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH bày tỏ nhất trí và đánh giá cao báo cáo của KTNN đã bao quát toàn diện những kết quả công tác của Ngành.
Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến hoạt động kiểm toán, KTNN đã có nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, trong năm 2021, với đặc thù hoạt động kiểm toán chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời KTNN cũng có sự thay đổi về người đứng đầu. Trong điều kiện đó, KTNN đã nỗ lực, cố gắng rất lớn, có nhiều giải pháp linh hoạt, cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây là vấn đề đáng biểu dương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hoạt động kiểm toán cần toàn diện hơn, có trọng tâm trọng điểm, trách nhiệm và quyết liệt hơn. Với những vấn đề phát hiện qua kiểm toán, KTNN cần mạnh dạn chấn chỉnh; bám sát quy định của pháp luật và thực hiện theo đúng quy định của Luật, nơi nào không chấp hành thì cần có giải pháp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tăng cường công khai minh bạch hoạt động kiểm toán. "Công khai là vũ khí rất quan trọng của hoạt động kiểm toán. Một mặt có tác động rất lớn để siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách và việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Mặt khác, thông qua qua công khai kết quả kiểm toán, người dân và xã hội cũng giám sát trở lại đối với hoạt động kiểm toán. Điều này có tác dụng rất tốt cho hoạt động kiểm toán”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị KTNN cần quan tâm hơn đến tỷ lệ, chất lượng thực hiện kiến nghị kiểm toán; công bố công khai đối với các cá nhân, tổ chức ban hành các văn bản không đúng thẩm quyền theo kiến nghị kiểm toán…
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi số lượng công việc trong những tháng cuối năm còn khá lớn, các Ủy viên UBTVQH đề nghị KTNN có các giải pháp hiệu quả để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ đề ra; trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH.
Tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, KTNN sẽ có báo cáo tiếp thu giải trình đầy đủ các nội dung trong báo cáo thẩm tra sơ bộ và các ý kiến trong UBTVQH.
Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, năm 2021 là năm thực hiện đại hội Đảng cùng với những tác động của dịch COVID-19 nên đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành một số nhiệm vụ của Ngành. Trong đó, việc triển khai hoạt động kiểm toán nhiều khả năng sẽ không đảm bảo kế hoạch đề ra. KTNN xác định, vấn đề ưu tiên hiện nay là làm theo yêu cầu của Chính phủ, của Quốc hội nhằm xác nhận số liệu để phục vụ thực hiện các quyết sách của Chính phủ. "Quan trọng nhất là có được những số liệu đủ để giúp các cơ quan của Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ có thông tin phục vụ cho việc ban hành các quyết sách”- Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Bên cạnh đó, KTNN sẽ tiếp tục phối hợp với thanh tra Chính phủ nhằm giảm thiểu tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động.
Về thực hiện kiến nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện KTNN đang rà soát lại toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán trong những năm vừa qua để "đóng lại” tất cả những kiến nghị không hợp lý, không phù hợp hay không thực hiện được, nhằm thực hiện minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.
(Theo dangcongsan.vn)