Đoàn tàu đưa Bác từ từ vào ga. Mới nhìn thấy đoàn tàu mà chưa nhìn thấy Bác, nhiều người rưng rưng nước mắt. Bác Hồ của chúng ta bình dị thế ư? Vị Chủ tịch nước - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đi thăm dân trên chuyến tàu hỏa đó ư. Con tàu đưa Bác đi bình thường như con tàu cha ta, mẹ ta, em ta và cả những người hàng xóm lam lũ của ta vẫn đi trong những ngày chợ búa.
Vào ga, con tàu từ từ dừng lại. Bác Hồ ngồi ở toa gần phía cuối đoàn tàu. Lần đầu được gặp nhưng ai có mặt ở sân ga hôm ấy cũng nhận ngay ra Bác Hồ. Từ bậc thềm của toa tàu, Bác bước xuống sân ga. Bác đội trên đầu chiếc mũ bọc vải rộng vành; Bác mặc bộ quần áo lụa màu nâu gụ, ống rộng, chân đi đôi dép cao su màu đen, giống như đôi dép lốp Bác đã từng đi trên mọi nẻo đường kháng chiến.
Năm ấy, tôi đang học trường cấp 3 thị xã, hệ 9 năm. Là người ở nơi khác đến nên phải ở trọ trong một gia đình trên đường Hoàng Hoa Thám phía bờ sông - nay là đường Thanh Niên của thành phố. Nơi tôi trọ học cách khu trụ sở của Tỉnh ủy và các cơ quan của tỉnh chỉ vài trăm mét.
Đoàn xe của tỉnh ra ga đón Bác và đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ rồi đưa Bác và đoàn về nghỉ trưa ở khu nhà khách của Tỉnh ủy. Khu nhà của Tỉnh ủy ở trên một khu đất rộng và đẹp nhìn ra sông Hồng (ở phía trên khu nghỉ dưỡng của cán bộ bây giờ ).
Vì vấn đề an ninh, chưa ai công bố chính thức nhưng nhân dân thị xã và bọn học sinh chúng tôi đã biết Bác Hồ lên thăm Yên Bái nên tìm nơi đoàn xe đi qua để được nhìn thấy Bác, cho thỏa lòng mong đợi. Nơi tôi ở trọ rất gần khu Tỉnh ủy, tôi rủ mấy đứa bạn lảng vảng lên khu Tỉnh ủy may ra thì được nhìn thấy Bác. Nhưng trưa hôm ấy, khu nhà khách được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Ranh mãnh như bọn học sinh chúng tôi cũng không thể nào đến gần được.
Nghe nói Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho đồng chí Phó trưởng Ty công an phụ trách công tác bảo vệ và trực tiếp dẫn Bác đi thăm các nơi trong suốt thời gian Bác ở thăm Yên Bái. Mãi sau này được nghe chính các đồng chí công an kể lại. Trưa hôm ấy, Bác có nghỉ đâu. Hơn một giờ chiều, Bác đã dậy. Bác cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đi quanh khu nhà Tỉnh ủy, qua nhà ăn tập thể rồi Bác quay lại hỏi đồng chí công an:
- Chú cho Bác biết khu nhà lá kia là cơ quan nào?
- Thưa Bác, đấy là cơ quan Ty Nông - Lâm nghiệp, bên cạnh đấy là Ty Tài chính.
Giờ nghỉ trưa nên các cơ quan đóng cửa. Đi đến chỗ có bức rào đổ của Ty Nông - Lâm nghiệp, Bác hỏi đồng chí công an:
- Rào này đổ từ bao giờ, chú có biết không?
- Dạ! Thưa Bác, chắc cũng mới đổ thôi ạ!
Bác bảo đồng chí công an:
- Chú nhắc cơ quan dựng lại rào. Là cơ quan Nhà nước không thể để thế được.
- Dạ vâng!
Vâng lời Bác mà lòng đồng chí công an xúc động. Chao ôi! Bác của chúng ta đâu chỉ chăm lo đến những công việc đại sự của dân, của nước, đến đâu Bác cũng quan tâm chỉ bảo cho ta cả những công việc tưởng như nhỏ nhặt nhất, từ cái bếp ăn đến hàng rào vừa mới đổ. Được đi cùng Bác mới chỉ dăm bảy phút buổi trưa mà học được ở Bác bao điều quý giá.
Vừa hỏi xong chuyện hàng rào đổ, Bác bảo đồng chí công an dẫn Bác vào Ty Nông - Lâm nghiệp. Thấy Bác đến, anh cán bộ trực cơ quan chạy tìm được anh Tùng Phó trưởng Ty ra tiếp Bác. Bác thân mật hỏi anh Tùng:
- Chú là thủ trưởng cơ quan, chú cho Bác biết vụ vừa qua cả tỉnh cấy được bao nhiêu mạ? Bao nhiêu diện tích?
Nghe Bác hỏi, anh Tùng ấp úng chưa biết trả lời Bác thế nào. Bác bảo:
- Chú là thủ trưởng cơ quan mà không nhớ gì cả. Chú có cần lấy sổ sách ra không?
Nói rồi, Bác và mấy đồng chí đi cùng đến thăm chỗ khác. Buổi chiều hôm ấy, Bác làm việc với Tỉnh ủy Yên Bái để nghe tình hình của tỉnh và việc chuẩn bị cho cuộc mít tinh vào sáng ngày mai để Bác được gặp và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Yên Bái. Bác hỏi đồng chí Nguyễn Đức - Bí thư Tỉnh ủy:
- Ngày mai mít tinh có mời linh mục không?
Đồng chí Nguyễn Đức trả lời Bác :
- Thưa Bác có ạ! Phải mời để linh mục làm việc đời, việc đạo cho đúng bởi cá biệt có vị đồng tình với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng khi giảng đạo lại nói theo ý mình.
Nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trình bày, Bác nói:
- Đúng! Mời giáo dân, mời cả linh mục. Phải để linh mục ngồi gần lễ đài, gần loa, để nhìn cho tường, để nghe cho rõ. Linh mục cũng là công dân, giáo dân tuân theo pháp luật, thưc hiện nghiêm chính sách của Đảng và Nhà nước, linh mục cũng cần như vậy.
Thay mặt Tỉnh ủy và nhân dân làm việc với Bác, đồng chí Nguyễn Đức đã chuẩn bị để báo cáo với Bác những vấn đề cơ bản, những việc lớn của tỉnh, nào ngờ khi làm việc Bác lại hỏi:
- Chú có biết tỉnh này bao nhiêu người hay đánh vợ không? Thực hành bình quyền ra sao?
Nghe Bác hỏi vậy, Bí thư Tỉnh ủy thật thà thưa với Bác:
- Thưa Bác, cái đó cháu cũng chưa nắm được.
Bác nói:
- Làm Bí thư, cũng phải biết chuyện đó để lãnh đạo nhân dân thực hiện quyền bình đẳng nam, nữ. Vấn đề ấy nó đánh dấu trình độ văn minh của xã hội.
Bác lại hỏi:
- Năm ngoái tỉnh xin Trung ương bao nhiêu gạo?
Một lần nữa Bí thư Tỉnh ủy lại lúng túng và thưa với Bác là không nhớ rõ.
Bác nói:
- Đấy là vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống, đến sinh mệnh con người. Lãnh đạo phải lo toàn diện nhưng trước hết phải lo cái ăn, cái mặc cho dân. Chú làm Bí thư, vấn đề quan trọng thế mà quan liêu.
Bác còn hỏi cặn kẽ việc cung cấp thuốc chữa bệnh, dầu thắp sáng, muối ăn, chỉ thêu cho đồng bào các dân tộc. Bác hỏi bệnh sốt rét, bệnh bướu cổ giảm chưa, có bao nhiêu cháu chưa biết chữ. Bác còn hỏi cả các hủ tục, ma chay, cưới hỏi.
Những điều Bác hỏi các đồng chí Tỉnh ủy Yên Bái hẳn không phải là những câu hỏi ngẫu nhiên mà đấy là những điều đau đáu từ đáy lòng của Bác đối với đồng bào các dân tộc miền núi. Và chính vì lẽ đó mà trong đoàn cán bộ của Chính phủ cùng Bác về thăm Yên Bái có Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, có Thứ trưởng Bộ giao thông Lê Dung và nhiều cán bộ cao cấp khác.
Tại buổi làm việc, Bác chỉ bảo cặn kẽ cho Đảng bộ và chính quyền Yên Bái phải chăm lo cho đồng bào các dân tộc từ việc nhỏ đến việc to; phải kiên trì thuyết phục, vận động nhân dân xóa bỏ dần các hủ tục; Bác cũng nhắc nhở Bộ Y tế, Bộ Giao thông, Bộ Giáo dục phải cử cán bộ, giáo viên lên giúp tỉnh; phải mở đường để ô tô tải đến được tất cả các huyện, các xã vùng cao cho hàng hóa thông thương có thế mới phục vụ được nhân dân và kinh tế mới phát triển.
Tại buổi làm việc Bác còn dặn riêng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức:
- Ngày mai trên lễ đài, Bác nói xong chú phải đáp từ. Chú chuẩn bị kỹ chưa hay lại lúng túng như gà mắc tóc?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức đưa bài đáp từ đã chuẩn bị sẵn cho Bác xem. Xem xong Bác chỉ mỉm cười.
Mãi đến tận chiều tối hôm ấy, nhân dân thị xã và cán bộ các cơ quan mới biết tin chính thức Bác Hồ về thăm Yên Bái. Ngoài sân vận động những người được phân công đang khẩn trương trang trí kỳ đài, kéo dây, mắc loa, thử đài. Các xã, các huyện thông báo cho dân biết tin vui và chuẩn bị để sáng sớm hôm sau đi dự mít tinh nghe Bác Hồ nói chuyện.
Đêm ấy, khắp mọi nơi nhộn nhịp như đêm hội. Bọn học sinh chúng tôi tụ tập, trò chuyện cho mãi đến tận khuya, mong cho trời chóng sáng để được nhìn thấy Bác, được nghe Bác nói chuyện.
Đã hơn sáu mươi năm, kể từ hôm Bác về thăm Yên Bái. Thời gian ấy chưa phải là dài cũng không còn là ngắn nhưng hình bóng Bác, những lời chỉ bảo ân tình của Bác trong bài nói chuyện của Người tại cuộc mít tinh và cả những chuyện hôm nay mới kể sống mãi trong lòng người dân Yên Bái, nó mãi mãi soi sáng đường cho chúng ta đi.
Hải Đường