Đặc biệt, từ khi Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam ra đời - ngày 2/10/1996, hoạt động khuyến học đã phát triển thành phong trào tự giác, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 25 năm qua, hoạt động của HKH ngày càng vững mạnh; khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) trở thành phong trào nhân dân rộng khắp trong toàn quốc.
Cùng với dòng chảy của phong trào khuyến học trong cả nước, sự nghiệp giáo dục và khuyến học của tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Xuất phát từ tình hình thực tế và nhu cầu thiết yếu về tổ chức, ngày 14/11/2000 HKH tỉnh Yên Bái đã được thành lập.
Qua thời gian và các giai đoạn lịch sử khác nhau, HKH tỉnh đã phát triển không ngừng, trở thành một tổ chức xã hội hoạt động tự giác, tự nguyện có quy mô rộng lớn, liên kết chặt chẽ và lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh.
Trong sự phát triển liên tục của mình, nhất là sau 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã hết sức quan tâm tới phát triển giáo dục và đào tạo trên cả 2 lĩnh vực: giáo dục chính quy trong nhà trường và giáo dục thường xuyên trong đời sống hàng ngày của nhân nhân, theo chủ trương xây dựng XHHT để mọi người dân đều có cơ hội "Học tập suốt đời”, "Học không bao giờ cùng”.
Từ những ngày đầu chăm lo tổ chức, tập hợp hội viên, gây dựng phong trào đến nay toàn tỉnh đã có 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, đơn vị, trường học có tổ chức Hội. Phát triển hội viên chuyển biến về chất, từ vận động, tập hợp đơn thuần đến tự giác, tự nguyện vào tổ chức hội và làm công tác KHKT. Đến nay đã có trên 26% dân số tham gia tổ chức Hội (tăng gấp hơn mười lần so với cách đây 20 năm, tăng 7% so với đầu nhiệm kỳ trước).
Các mô hình học tập được xây dựng, nhiều cách làm hay, sáng tạo và kết quả hoạt động thực chất, phát triển cả về bề rộng phong trào, chiều sâu chất lượng các mô hình KHKT đã có sức lan tỏa, tác động ảnh hưởng tích cực tới các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân. Các tổ chức, lực lượng xã hội có sự trao đổi, hỗ trợ, liên kết, liên thông cùng tham gia KHKT, xây dựng XHHT.
Việc ký kết tổ chức thực hiện chương trình KHKT cùng với cách làm sáng tạo, tìm ra phương pháp, nội dung hoạt động mới trong các ngành, các đơn vị đã làm cho phong trào KHKT trên địa bàn tỉnh có phong trào sâu rộng, lan tỏa, ảnh hưởng, tác động tích cực, góp phần đáng kể vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Năm nay cũng là năm đầu tiên HKH tỉnh đã chính thức triển khai nội dung KHKT trong các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh, được các lực lượng vũ trang đồng tình ủng hộ triển khai thực hiện.
Qua công tác phối hợp, vai trò nòng cốt, liên kết của HKH được khẳng định rõ, trọng tâm của các hoạt động, huy động các lực lượng tham gia công tác KHKT, đưa phong trào học tập có chỗ đứng trong xã hội và trong tâm thức của người dân. Vận động, xây dựng và phát triển quỹ KHKT có kết quả vượt bậc, đa dạng hóa hình thức vận động của nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, nhất là từ các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh. Với nguồn quỹ có được, hàng trăm nghìn lượt học sinh được trao học bổng, khen thưởng, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên trong học tập.
Lần đầu tiên chúng ta có chương trình dự án hàng tỷ đồng từ cộng đồng doanh nghiệp dành cho các suất học bổng được cấp ổn định, lâu dài cho các cháu từ khi học THPT đến tốt nghiệp đại học. Lần đầu tiên chúng ta có nguồn tài trợ của nhà hảo tâm nước ngoài dùng cho việc mở lớp học nhân ái, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Chúng ta đã tổ chức trao tặng hàng nghìn tài khoản cho học sinh học và ôn thi trực tuyến qua mạng hữu ích, hiệu quả khi có dịch Covid-19. Có nguồn quỹ dùng cho mua trang thiết bị dạy và học, xây dựng phòng học kiên cố và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác; hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, chia sẻ với các tỉnh miền Trung bị thiên tai và gần đây nhất, trong tháng 9 vừa qua, hưởng ứng Chương trình "Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ chính thức phát động, kết quả tại lễ phát động, cả nước đã có hơn 1 triệu máy tính ủng hộ, riêng Yên Bái đã nhận được hàng trăm triệu đồng ủng hộ từ chương trình có ý nghĩa này.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ cấp học bổng ổn định hàng năm cho các cháu, trong tháng 10, Viettel Yên Bái trao 1,4 tỷ đồng chủ yếu bằng máy tính tạo điều kiện thuận lợi và trao cơ hội học tập tốt hơn cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây thực sự là những hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhất là trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại.
Tự hào về truyền thống vẻ vang và kết quả tích cực trong công tác KHKT, tại các kỳ đại hội, HKH tỉnh đã tổng kết đánh giá sâu sắc, toàn diện kết quả đạt được, đó là cơ sở để tiếp nối và phát triển mạnh mẽ hơn nữa công tác KHKT của tỉnh trong giai đoạn mới. Đồng thời, Hội xác định một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện trong tất cả các cấp hội, các tổ chức hội và toàn thể hội viên về Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Việc triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác hàng tháng, hàng quý trong từng năm của các cấp hội, đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả.
2. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền về công tác KHKT theo tinh thần chủ động, năng động, thường xuyên, nhất là triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác KHKT, xây dựng XHHT, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn của địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh ta.
3. Duy trì, phát triển chất lượng các mô hình học tập đã có. Triển khai mô hình mới về "Huyện học tập” giai đoạn từ nay đến năm 2025 và kế hoạch thực hiện đến năm 2030; triển khai thực hiện đại trà mô hình "Công dân học tập”, "Đơn vị học tập” theo chỉ đạo của Trung ương Hội; phối hợp thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc” theo chỉ đạo của tỉnh và các mô hình học tập khác.
4. Đẩy mạnh phối hợp, liên kết các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang với nòng cốt là HKH các cấp. Gắn chặt phong trào KHKT, xây dựng XHHT với nhiệm vụ chính trị từng ngành, đơn vị và nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đặc biệt là công tác KHKT gắn với đời sống văn hóa, với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh... Sáng tạo, đổi mới về phương pháp, cách thức, nội dung tuyên truyền về công tác KHKT.
5. Tích cực, chủ động vận động xây dựng quỹ cho hoạt động KHKT. Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và triển khai thực hiện đề án mới về "Học bổng cho em vượt khó đến trường” mang tính ổn định, căn cơ, xuyên suốt trong quá trình học phổ thông, qua đó tạo điều kiện thuận lợi giúp các em tập trung học tập và rèn luyện.
Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh