Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 69 ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Nghị quyết 69), ngay từ đầu năm, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 69; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết tới chủ tịch xã, cán bộ địa chính, nông - lâm và các hợp tác xã trên địa bàn.
Đồng thời, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở và các buổi sinh hoạt Đảng, đoàn thể, các buổi họp bản...; hướng dẫn nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đăng ký các nội dung hỗ trợ của Nghị quyết 69 năm 2021.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền, triển khai 16 chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 69 đến các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện nhưng người dân chỉ đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ; còn lại 14 chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 69 không có hợp tác xã, cá nhân, hộ gia đình đăng ký hỗ trợ.
Trong năm 2021, toàn huyện chỉ có 151 hộ gia đình đăng ký hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản hữu cơ thuộc chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết 69 (đợt 1 có 86 hộ gia đình đăng ký hỗ trợ; đợt 2 có 65 hộ đăng ký hỗ trợ), với tổng kinh phí là 2.840 triệu đồng”.
Đến cuối tháng 9, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với UBND các xã nghiệm thu và thanh toán xong cho 54 hộ gia đình đăng ký hỗ trợ đợt 1 năm 2021, số kinh phí đã giải ngân là 839 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô từ 15 con trở lên cho 1 hộ ở xã Chế Cu Nha; hỗ trợ chăn nuôi lợn kết hợp có quy mô 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt trở lên cho 4 hộ ở các xã: Nậm Khắt, La Pán Tẩn và Hồ Bốn; hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò có quy mô từ 10 con trở lên cho 2 hộ ở xã La Pán Tẩn; hỗ trợ chăn nuôi gia cầm đặc sản có quy mô chăn nuôi từ 300 con trở lên cho 1 hộ ở xã Dế Xu Phình; hỗ trợ chăn nuôi dê có quy mô từ 30 con trở lên cho 11 hộ ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Khao Mang... Hiện nay, 83 hộ đang được cơ quan chuyên môn và UBND các xã tiếp tục hướng dẫn thực hiện tu sửa chuồng trại, chuẩn bị con giống đảm bảo yêu cầu trước khi nghiệm thu.
Ông Giàng Chứ Ly ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn phấn khởi: Được cán bộ xã tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, bà con ai cũng mừng nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để làm chuồng trại, đầu tư vốn mua trâu, bò, lợn, dê về nuôi.
"Gia đình mình có diện tích đất rộng và cũng có chút vốn tích lũy, mình vay thêm ngân hàng 100 triệu đồng nữa mua được 5 con trâu, 6 con bò hết gần 250 triệu đồng về nuôi, cuối tháng 9 vừa qua được hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình rất phấn khởi, cố gắng chăm sóc đàn trâu, đàn bò phát triển, sinh sản tốt để nhanh trả hết nợ cho ngân hàng...” - ông Ly nói.
Qua hơn 9 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 69 cho thấy, một số chính sách hỗ trợ như chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị, hỗ trợ cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo chưa được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện mặn mà; giá cả vật tư xây dựng cơ sở vật chất, vật tư sản xuất, chăn nuôi tăng cao, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh chăn nuôi gây khó khăn trong việc hợp tác xã, người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Một số nội dung hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa của Nghị quyết quy định phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật hoặc cơ sở được giám sát dịch bệnh động vật như: Hỗ trợ chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa, lợn nái sinh sản quy mô 15 con, chăn nuôi lợn kết hợp có quy mô 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt trở lên” nên nhiều hộ dân có đủ điều kiện nhưng không muốn đăng ký...
Nguyên nhân chủ yếu mà các hợp tác xã, cá nhân, hộ gia đình chưa đăng ký 14 chính sách hỗ trợ còn lại của Nghị quyết 69 là do người dân ở huyện vùng cao giao thông đi lại khó khăn nên giá vật tư trên địa bàn huyện rất cao; việc tìm mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, chuồng trại chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn; thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra băng giá, sương muối, mưa lũ, sạt lở, dông lốc, mưa đá nên rất khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Năng lực các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện còn yếu nên không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ của các chính sách. Trình độ của doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều hạn chế nên ngại xây dựng thuyết minh dự án và hoàn thiện các chứng từ liên quan theo yêu cầu của chính sách nên không nhiệt tình trong việc đăng ký.
Do trình độ của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế, tập quán sản xuất còn lạc hậu nên việc đăng ký cũng như triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 69 còn hạn chế; các nội dung đầu tư hỗ trợ và chứng từ thanh toán phải hướng dẫn nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện, nghiệm thu và giải ngân...
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 69 trong thời gian tới, huyện Mù Cang Chải đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 69; tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.
Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Mù Cang Chải nói riêng để nâng cao trình độ quản lý, trình độ tiếp cận thị trường để doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực đăng ký thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 69 đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Minh Hằng