Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh xác định cho giai đoạn 2020 - 2025, có 3 nhiệm vụ định hướng có yếu tố "Xanh”, đó là: Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trọng tâm là phát triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc; tích cực, chủ động thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển "Xanh” là con đường tất yếu nhằm mang lại chất lượng cuộc sống ngày càng cao cho người dân, là tiền đề để bảo đảm phát triển hài hòa, giữ gìn bản sắc và mang lại hạnh phúc cho con người. Chỉ khi phát triển "Xanh” được nhận thức đầy đủ và trở thành ý thức của con người mới định hướng cho con người trong hoạt động quản lý, sản xuất, tiêu dùng.
|
Sau một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã có những bước chuyển tích cực trong phát triển theo định hướng lớn; thể hiện quyết tâm thông qua việc tham mưu chủ trương, chính sách xoay quanh định hướng phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, nhất là vấn đề phát triển "Xanh”.
Theo đồng chí Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái, ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngành tài nguyên và môi trường nói chung và Sở Tài nguyên và Môi trường nói riêng đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp được giao để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội. Ngành đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Đề án tăng cường bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, tổng thể nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh. Tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tham mưu đầu tư các lò đốt CTRSH tập trung để thay thế các bãi chôn lấp hiện nay không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, yêu cầu các chủ dự án phải cam kết đầu tư các công trình xử lý chất thải để giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường khi dự án đi vào hoạt động.
Đồng thời, kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền không cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở, trong đó tập trung vào nhóm các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đến nay, đã có 8/13 cơ sở được xử lý triệt để ô nhiễm. Tăng cường việc hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các khu dân cư tập trung, nhất là việc thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tỉnh Yên Bái chủ trương đầu tư chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp.
Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Quốc tế khoáng chất công nghiệp Việt Nam trong dây chuyền sản xuất.
Đồng chí Hà Mạnh Cường cho biết thêm: "Điểm nhấn về phát triển "Xanh” của ngành tài nguyên và môi trường chính là việc tham mưu ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án tăng cường bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là những Đề án hết sức quan trọng, được xây dựng căn cơ, bài bản, khoa học, đánh giá đúng thực trạng công tác bảo vệ môi trường của tỉnh để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp. Thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra trong các đề án này, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Yên Bái sẽ được nâng lên rõ rệt và góp phần thực hiện định hướng phát triển "Xanh” trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra”.
Ngành công thương cũng đã xác định rất rõ vấn đề phát triển ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cả nước, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Theo đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, như chế biến nông - lâm sản, gắn với vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao, đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản của vùng; khai thác và chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp. Đồng thời phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương như dệt may, da giầy.
Đồng chí Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái khẳng định: "Theo định hướng phát triển "Xanh”, ngành thực hiện ưu tiên lựa chọn các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ sinh học”.
Phấn đấu đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản của vùng. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) phân loại sản phẩm măng khô sau chế biến.
Cũng như các địa phương khác, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã xác định rõ hướng phát triển của mình theo triết lý phát triển chung của tỉnh, đó là đặc biệt coi trọng yếu tố phát triển "Xanh”.
Đồng chí Hà Văn Nam - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết: "Vấn đề này được thị xã Nghĩa Lộ cụ thể hóa trong định hướng phát triển của địa phương giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, tập trung rà soát, sắp xếp, bố trí các khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề bảo đảm tính liên kết các nhóm ngành sản xuất tạo thành các tổ hợp có quy mô thích hợp, phát huy lợi thế, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm không gian cho phát triển đô thị, dịch vụ du lịch. Chú trọng phát triển các ngành có lợi thế như chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, sản xuất và cung cấp điện, nước, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, cơ khí sản xuất nông cụ và sửa chữa, may mặc, chế biến gỗ, chế biến chè...”.
Đồng chí Lã Như Huy - Bí thư Đảng ủy phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Phường xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không ô nhiễm môi trường. Khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, đan lát..., hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Vấn đề phát triển "Xanh” của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 là định hướng lớn nên đã có sự thống nhất cao trong các cấp, các ngành, các địa phương và bước đầu đạt được những kết quả khả quan, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Thành Trung
Bài 2: Để phát triển "Xanh” thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững