Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự, phát biểu chỉ đạo. Cùng tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, các ủy viên Trung ương, đại diện các Ban bộ ngành cơ quan Trung ương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao những thành tích to lớn của Hội đồng Lý luận Trung ương đóng góp cho công tác lý luận của Đảng, cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với 5 nhiệm kỳ hoạt động, Hội đồng Lý luận Trung ương đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình, quy tụ, kết nối trí tuệ, tri thức; kiên định, sáng tạo; không ngừng đổi mới mô hình và phương thức hoạt động; tập hợp đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, viện nghiên cứu, học viện và trường đại học; nghiêm túc kế thừa thành quả, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ, đạt được những bước phát triển quan trọng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của Đảng và đất nước.
Những thành tựu nổi bật của Hội đồng Lý luận Trung ương trong một phần tư thế kỷ qua là: Thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn những vấn đề lý luận chính trị, nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ trực tiếp sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, cũng như phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng. Hội đồng đã tiến hành nghiên cứu lý luận cơ bản gắn với tổng kết thực tiễn với một cách hệ thống, góp phần luận giải về lý luận nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn công cuộc đổi mới.
Hội đồng đã chủ trì tổ chức nghiên cứu một hệ thống các đề tài khoa học lý luận chính trị trong khuôn khổ một chương trình nghiên cứu nhất quán, góp phần đổi mới, bổ sung, phát triển tư duy lý luận, thống nhất nhận thức những vấn đề lý luận chính trị, từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Các nghiên cứu của Hội đồng đã khẳng định những giá trị bền vững, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; cung cấp tri thức mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cao cấp và lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng; cung cấp luận cứ đấu tranh và trực tiếp tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lý luận đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như vai trò, trọng trách của Hội đồng Lý luận Trung ương trước yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương cần quán triệt sâu sắc mục tiêu, nhiệm vụ công tác lý luận trong thời gian tới theo chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2016-2021, góp phần khắc phục "tình trạng còn lạc hậu về lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn”, thúc đẩy phát triển lý luận "vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn”, "có tầm nhìn vượt trước”.
"Đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng; đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam”. Đây là nhiệm vụ rất hệ trọng và rất vẻ vang. Hội đồng cần sớm cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, đã điểm lại những cột mốc và dấu ấn quan trọng, bài học kinh nghiệm trong chặng đường 25 năm hình thành, phát triển của Hội đồng.
"Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước, chuyên đề nghiên cứu về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Tại lễ kỷ niệm, Hội đồng đã công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và Huân chương Độc lập hạng 3 cho PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương và nguyên Ủy viên thường trực, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông.
(Theo daidoanket)