Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu thông điệp trên tại phiên chất vấn sáng 12/11. Đây là lần đầu tiên ông đăng đàn trên cương vị người đứng đầu Chính phủ trong hoạt động chất vấn.
Sau khi báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính với phong cách trả lời thẳng thắn, không cầm giấy tờ, đã lần lượt giải đáp câu hỏi của 12 đại biểu về công tác phòng, chống Covid-19; phục hồi kinh tế - xã hội; các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn về các biện pháp căn cơ phục hồi và phát triển kinh tế trong hai tháng cuối năm 2021. Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, thì việc phải làm là xây dựng, triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở kết luận của Trung ương, Chính phủ đang phối hợp tích cực với các cơ quan của Quốc hội xây dựng chương trình này với bốn nhóm định hướng lớn.
Thứ nhất, nâng cao năng lực y tế. Theo Thủ tướng, một nguyên nhân khiến Việt Nam tăng trưởng âm trong quý III/2021 là phải thực hiện các biện pháp hành chính để chống dịch. Vì vậy, tới đây Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải tập trung nâng cao năng lực y tế, tập trung vào y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ đề cập đến việc nghiên cứu xây dựng Quỹ phòng chống dịch và Quỹ an sinh xã hội để chủ động hơn nữa trong sử dụng nguồn lực.
Thứ hai, cần tập trung cho con người. Đây là vốn quý nhất. Đại hội XIII đã xác định phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, con người là nguồn lực lớn nhất. Trong quá trình phát triển, lấy nội lực là cơ bản, lâu dài và yếu tố có tính chất quyết định; ngoại lực là đột phá.
Thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, cần phối hợp hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, vừa tạo điều kiện cho tăng trưởng.
Thứ tư, đầu tư hạ tầng. Thực hiện chương trình này, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gói hỗ trợ "phi tài chính", là các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ông cũng đề cập đến bài toán đầu tư công, "hiện mới giải ngân được hơn 50%, sắp tới có gói kích thích kinh tế, phát triển hạ tầng nữa thì sẽ đầu tư vào đâu cũng là việc phải tính toán".
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Thủ tướng cho biết chương trình hành động ứng phó với Covid-19 trong thời gian tới?
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời, đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vừa qua, sau hai năm chống dịch, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. "Chúng ta có trả giá, có cái chưa được, qua chống dịch đã rút được nhiều kinh nghiệm và dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh này", Thủ tướng nói.
Từ đó Chính phủ đã đưa ra được các trụ cột để phòng chống dịch, như: Cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất có thể; về xét nghiệm, virus nhìn không thấy, nếm không được, ngửi không được, nên phải xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn; về điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong.
Trên cơ sở 3 trụ cột này, Chính phủ đã hình thành công thức chống dịch, đầu tiên là 5K, rồi 5K + vaccine, sau đó cộng thêm thuốc điều trị, công nghệ và đề cao ý thức người dân...
Theo Thủ tướng, "chúng ta đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch". Ông nói vừa qua công tác nước ngoài, lãnh đạo các nước cũng có trao đổi về vấn đề này và thấy quá trình chống dịch của Việt Nam dù chưa tổng kết "nhưng có bài bản". "Trên cơ sở đó, chúng ta mạnh dạn và tự tin mở cửa", Thủ tướng nói.
"Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị nhanh và sớm, nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy, sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực; đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An về kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn chống dịch vừa qua, Thủ tướng nói bài học lớn đầu tiên là cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch, từ đó, triển khai các chính sách đều hướng đến người dân. Ngược lại, người dân cũng tham gia tích cực, chủ động vào phòng chống dịch.
Vừa qua, khi dịch bệnh bùng phát ở TPHCM, Chính phủ và các địa phương đã triển khai phương châm lấy xã, phường làm pháo đài. Tuy nhiên, có nơi hiểu pháo đài như lô cốt. Thủ tướng cho rằng, đây là cách hiểu không đúng, pháo đài là để tổ chức công việc chứ không phải làm lô cốt, bao vây lại, gây ra ách tắc.
Trong việc tiếp cận toàn dân thì phát huy tinh thần, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vào chống dịch.
Kinh nghiệm nữa là ứng phó linh hoạt, vì đây là trường hợp không có tiền lệ. Thủ tướng lấy ví dụ, khi năng lực y tế cơ sở yếu thì "chúng ta ngay lập tức điều động lực lượng quân đội, công an vào cuộc, có thời điểm thiết lập hơn 500 trạm xá tại TP HCM".
Thủ tướng nói thêm, khi thực hiện các biện pháp hành chính để ngăn chặn dịch bệnh, các cơ quan phải quan tâm, "đầu tư dày công" cho an sinh xã hội; lo an sinh xã hội là yếu tố quan trọng để người dân yên tâm, tham gia phòng chống tốt dịch bệnh.
Kinh nghiệm nữa là huy động sự giúp đỡ quốc tế. Thủ tướng nói lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tất cả các cuộc tiếp xúc, hội nghị trực tiếp và trực tuyến đều kêu gọi hỗ trợ vaccine, "vũ khí quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh".
Cùng với đó, Việt Nam thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Với vấn đề này, về phía quản lý Nhà nước, sẽ tiến hành thủ tục hành chính nhanh gọn mà Nghị quyết 30 của Quốc hội cho phép, còn mặt chuyên môn do 2 hội đồng là hội đồng đạo đức và hội đồng cấp phép. "Với vaccine, vấn đề an toàn là rất quan trọng và do các nhà chuyên môn quyết định", Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài vấn đề chống dịch, một số đại biểu bày tỏ quan tâm vấn đề phát triển hạ tầng và đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt câu hỏi về giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng thời gian tới? Trả lời, Thủ tướng nói hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng phát triển kinh tế xã hội như y tế, giáo dục, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu...
Theo Thủ tướng, trước hết phải tổng kết, rà soát lại việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật thời gian qua, cái gì đã làm được, cái gì chưa, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở đâu, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng phù hợp... "Bổ sung, hoàn thiện để có hành lang pháp lý đủ mạnh", ông nói.
Nguồn vốn để phát triển hạ tầng gồm cả vốn nhà nước và tư nhân, trong đó nguồn vồn nhà nước làm vốn mồi, kích hoạt, dẫn dắt các nguồn vốn khác. Cùng với đó, Việt Nam phải có công nghệ phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành... Quản trị trong phát triển hạ tầng phải bảo đảm không lãng phí, chống tiêu cực, minh bạch.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) nêu thực trạng từ đầu tháng 11 đến nay, sau làn sóng người lao động di chuyển về quê, dịch bệnh đã diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương nỗ lực kiểm soát song phải chịu áp lực về khả năng thu dung, điều trị, an sinh xã hội.
"Giải pháp cũng như các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là gì?", bà chất vấn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, dịch chuyển lao động là hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường, nhưng thời gian qua không bình thường ở chỗ quản lý Nhà nước còn có sơ hở, nên khi người lao động dịch chuyển đã gây áp lực cho các địa phương. "Áp lực này cần giải quyết", Thủ tướng nói và nêu rõ việc đầu tiên là Trung ương và địa phương phải phối hợp nâng cao năng lực y tế cho các tỉnh này, đồng thời với tăng cường cung cấp vaccine và đảm bảo an sinh xã hội.
"Quyết sách căn cơ là tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Muốn làm được thì phải giải quyết nút thắt về hạ tầng", lãnh đạo Chính phủ nói.
Các hạ tầng cần chú ý gỡ nút thắt bao gồm giao thông đường bộ, trong đó có đường cao tốc, giao thông thủy nội địa; chống biến đổi khí hậu (theo đánh giá mới nhất, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ bị nước biển dâng cao mà còn bị sụt lún); và hạ tầng y tế, giáo dục.
Trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu, Thủ tướng đã có bài phát biểu nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Ông cho hay, Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các nhóm cần thiết theo quy định.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình, phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, không khí nghị trường diễn ra dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và thành công; có 134 đại biểu tham gia chất vấn, trong đó 12 đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng; 24 đại biểu tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ. Qua 2,5 ngày, tổng số có 171 lượt ý kiến phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.
Theo ông Huệ, các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đồng thời tăng cường tranh luận làm rõ thêm nhiều vấn đề... Thủ tướng, các Phó thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành "với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, của ngành mình, đưa ra cam kết khắc phục tạo sự chuyển biến trong thời gian tới".
(Theo VnExpress)