Chúng tôi có dịp cùng cán bộ tín dụng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu đến Điểm Giao dịch tại UBND xã Hát Lừu để làm công tác giải ngân, thu nợ, nộp lãi và họp giao ban với các hội, đoàn thể.
Tại trụ sở UBND xã, những thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng được công khai, niêm yết rõ ràng. Sau khi nghe các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ hội, đoàn thể báo cáo về tình hình vay và trả vốn vay của từng hộ, cán bộ ngân hàng cũng thông báo luôn nguồn vốn vay của hộ gia đình trên cơ sở bình xét hộ nghèo của từng thôn để cho vay đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Anh Lò Văn Thuận, thôn Hát 1 đến nộp tiền lãi hàng tháng cho biết, trước đây gia đình thuộc diện khó khăn. Năm 2015, gia đình anh được vay vốn chương trình hộ cận nghèo 50 triệu đồng, anh quyết định mua 2 con trâu cái về nuôi. Nhờ siêng năng chăm sóc cũng như phòng, chống dịch bệnh tốt nên 2 con trâu nái của gia đình đẻ thêm được 4 con nữa.
Năm 2020, anh bán bớt 2 con được trên 100 triệu đồng để trả nợ ngân hàng và thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo. Năm 2021, anh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo. Từ số tiền đó cộng với khoản tiết kiệm trong chăn nuôi, anh cải tạo ao nuôi cá và chăn nuôi gia cầm. Hiện tại, gia đình có 4 con trâu, 5 con lợn 1 ao cá 50 m2 chăn nuôi các loại cá và hàng trăm con ngan, vịt…
"Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản là giải pháp giúp người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Vốn vay được giải ngân tại các điểm giao dịch xã giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí trong quá trình đi lại. Cùng đó, đến điểm giao dịch còn nắm được những thông tin về mức vay, lãi suất cho vay, quy trình thủ tục vay vốn, các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước" - anh Lò Văn Thuận chia sẻ.
Anh Lò Văn Sam ở tổ dân phố số 3, thị trấn Trạm Tấu cho biết: "Gia đình tôi có một ít đất rừng và khoảng 500 m2 ruộng nước nhưng thiếu vốn sản xuất; do vậy, điều kiện để phát triển kinh tế rất khó khăn. Từ đầu năm 2016, khi vay được nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH và lại được cán bộ ngân hàng hướng dẫn làm kinh tế nên cuộc sống của gia đình tôi đã hoàn toàn thay đổi, thu nhập ổn định hơn”.
Với 30 triệu đồng vốn vay, anh Sam cải tạo lại chuồng trại chăn nuôi, làm cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong những ngày giá rét, cải tạo 200 m2 diện tích đất hoang hóa của trồng cỏ voi, làm trang trại nhỏ và đầu tư mua 1 trâu nái.
Từ những kiến thức được học qua các lớp tập huấn về chăn nuôi, áp dụng đúng quy trình về vệ sinh phòng dịch, con trâu nái của anh hoàn toàn khỏe mạnh và cuối năm 2016 đã đẻ một con nghé. Đến năm 2020, anh trả hết nợ và tiếp tục vay chương trình hộ mới thoát nghèo 50 triệu đồng.
Đến nay, gia đình có 4 con trâu, 3 con bò và hàng trăm con lợn gà. Tổng giá trị tài sản đến nay được trên 250 triệu đồng; hàng tháng gia đình đều tích góp để trả gốc và lãi ngân hàng đầy đủ. Đây chỉ là hai trong hàng chục ngàn hộ dân, đối tượng chính sách của huyện Trạm Tấu nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH mà vươn lên thoát nghèo.
Ông Hoàng Đình Huân - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu chia sẻ: Để nguồn vốn ưu đãi phát huy tốt hiệu quả, ngay từ đầu năm Phòng luôn chủ động tham mưu giúp thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện là chủ tịch UBND các xã, thị trấn ban hành văn bản chỉ đạo nâng cao hiệu quả sử dụng vốn các chương trình tín dụng chính sách; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát; thông báo giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho các thôn kịp thời, đúng quy định để thực hiện. Rà soát phân tích số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chưa được vay vốn theo quyết định từng năm của UBND xã, huyện; tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình, chủ động trong việc lập và xây dựng kế hoạch tăng trưởng sát với tình hình thực tế.
Hàng năm, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu luôn chủ động kế hoạch trong việc giải ngân, thu nợ, thu lãi; từ đó, có kế hoạch xin nguồn một cách hợp lý, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu giải ngân và hạn chế xảy ra tình trạng vượt định mức quỹ an toàn chi trả, không để tình trạng tồn đọng lãng phí vốn.
Theo số liệu của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu, đến 30/9/2021, tổng nguồn vốn thực hiện trên địa bàn đạt gần 208 tỷ đồng, bằng 97,4% kế hoạch, tăng 14,7 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, nguồn vốn Trung ương là 199,6 tỷ đồng, bằng 96,9% kế hoạch, nguồn vốn huy động tại địa phương là 9,5 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch (tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn trên 3,2 tỷ đồng; tiền gửi tổ chức và cá nhân trên 6,2 tỷ đồng); doanh số cho vay đạt trên 53,9 tỷ đồng; doanh số thu nợ 37,9 tỷ đồng; tổng dư nợ thực hiện đến 30/9/2021 đạt 207,5 tỷ đồng; còn 4.668 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện môi trường sống tại nông thôn.
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu thực sự là "cầu nối" giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Quang Thiều