Tại các phiên họp trực tuyến và thảo luận tại tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã có 44 lượt ý kiến tham gia phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022 - 2024...
Tham gia ý kiến thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu khẩn trương ban hành các văn bản và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua.
Hiện nay, việc triển khai rất chậm, chưa đảm bảo về mặt thời gian và tiến độ. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các văn bản, thủ tục để sớm phê duyệt hai chương trình còn lại và tổ chức triển khai thực hiện sớm ngay trong năm 2022.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Khang Thị Mào cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có cơ sở khi triển khai thực hiện.
Đặc biệt, trong các phiên thảo luận tại tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã mời lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh tham gia thảo luận đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và những hoạch định về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm tới.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, báo cáo đã được đánh giá thẳng thắn, toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như nguyên nhân, tồn tại, hạn chế. Chính phủ đã đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện linh hoạt "mục tiêu kép” trong bối cảnh mới; cải cách thể chế về đầu tư công rất hiệu quả, rất thiết thực”.
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116 đối với người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phủ vắc-xin; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án về hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và đẩy mạnh liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Thảo luận cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng chí Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ cần quan tâm về chính sách cho y tế cơ sở hay nói cụ thể hơn là y tế xã. Đây trở thành tuyến đầu trong phòng bệnh và là người gác cổng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thì việc đổi mới cơ chế chính sách cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa sao cho thu hút được cán bộ y tế có chất lượng vào làm việc ở đây. Hiện nay, chúng ta cũng đang xây dựng các chính sách để đổi mới nhưng chưa có sự chuyển biến rõ nét để tạo sức hút.
Cùng với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tích cực tham gia ý kiến vào các dự án luật như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và một số dự án luật quan trọng khác... Nhiều ý kiến tham gia thảo luận của các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã thể hiện sự nghiên cứu sâu sắc, cụ thể, chi tiết và xuất phát từ tình hình thực tiễn ở cơ sở.
Tham gia ý kiến về Dự án Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146, về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm. Cụ thể, Dự án có trao quyền và trách nhiệm cho công an xã giống như công an phường, thị trấn, các đồn công an, có trách nhiệm tiếp nhận, tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển tố giác tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ sự đồng tình với Dự án đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung này và cho rằng, đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, khi có những tin báo, tố giác tội phạm mà nếu như thông báo cho cơ quan điều tra của công an cấp huyện tiếp cận được với hiện trường nhiều khi phải mất nhiều giờ đồng hồ, thậm chí mất đến nửa ngày (như địa bàn của tỉnh Yên Bái hoặc một số địa phương miền núi). Như vậy, nếu như có lực lượng tại chỗ mà tiếp cận ngay, xử lý ngay thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều, đơn giản nhất là việc bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ, thu thập các tang vật của vụ việc, vụ án.
Đồng chí Đỗ Đức Duy cho rằng, để thực hiện được nội dung này, cũng cần phải tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; trang bị các công cụ hỗ trợ cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra, xác minh sơ bộ, như thiết bị ghi âm, ghi hình và các công cụ hỗ trợ khác cho lực lượng công an chính quy ở cấp xã...
Cho ý kiến về Dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, vấn đề tuyển chọn công dân vào cảnh sát cơ động quy định tại Điều 24.
Ngoài quy định về phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe cũng cần quy định về trình độ để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Dự án Luật Cảnh sát cơ động cần có ưu tiên đối với việc tuyển chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số vào lực lượng cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số...
Những ý kiến tham gia thảo luận thẳng thắn, sâu sắc và có chất lượng, thể hiện quan điểm của các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái sẽ góp phần hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các dự án luật khi được Quốc hội thông qua. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người đại biểu để xứng đáng với niềm tin mà cử tri và nhân dân giao phó.
Đức Toàn