Có thể nói, từ cuối thế kỷ XIX đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chưa từng có cuộc khởi nghĩa nào có thời gian chuẩn bị kỹ, có được lực lượng đông đảo và toàn diện như Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Đêm 22, rạng sáng 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa bắt đầu nổ ra ở miền Đông và sau đó ở miền Tây Nam Bộ. Việc chỉ đạo khởi nghĩa được tiến hành mau lẹ, có sự phối hợp với nhau. Cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức mạnh bão nổi của quần chúng nhân dân.
Các cuộc khởi nghĩa ngay lập tức đã đồng loạt nổ ra ở 20 trong số 21 tỉnh, thành phố Nam Kỳ, mạnh nhất là ở các vùng Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Sài Gòn - Gia Định được chọn làm trọng điểm và là nơi phát lệnh khởi nghĩa cho toàn Nam Kỳ.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, các đảng bộ ở Nam Kỳ tích cực chỉ đạo quần chúng nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa. Khắp nơi trên vùng đất Nam Bộ, các đảng bộ tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức lực lượng; đẩy mạnh công tác binh vận, xây dựng lực lượng vũ trang; thành lập Ban khởi nghĩa...
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, nhiều nơi thành lập tổ chức thanh niên phản đế, phụ nữ phản đế, nông hội phản đế, binh sĩ phản chiến… Quần chúng tốt được đưa vào Mặt trận phản đế, qua giáo dục và được giúp đỡ trong thử thách đấu tranh được chọn kết nạp Đảng. Một số nơi xây dựng các đội cảm tử, tự vệ, du kích, tổ chức luyện tập võ nghệ, tập quân sự, rèn vũ khí thô sơ…
Đặc biệt, đảng viên và bà con người Hoa, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy và có liên hệ chặt chẽ với Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, hoạt động rất tích cực như lo việc bố trí cơ quan làm việc của Xứ ủy, tạo nguồn tài chính, mua sắm chất nổ, vũ khí, tuyên truyền vận động, lập Hội kiều kháng Nhật cứu quốc…
Ôn lại truyền thống khởi nghĩa Nam Kỳ, không thể không nhắc đến vùng đất "18 thôn vườn trầu" Hóc Môn - Bà Điểm. Tại vùng đất này, cuộc khởi nghĩa diễn ra vô cùng mạnh mẽ, quần chúng nhân dân như những lớp sóng tràn lên tiến công vào đồn bốt của địch. Bên cạnh đó, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Khởi nghĩa quận Hóc Môn từ trước, lúc nghĩa quân nổ súng tiến công đồn, quần chúng cách mạng các làng chung quanh quận lỵ đã tiến hành nổi trống mõ đồng loạt nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân và uy hiếp tinh thần địch.
Một dấu ấn đặc biệt nữa trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ chính là trong cuộc khởi nghĩa hào hùng này, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện, được giương cao trong các cuộc biểu tình, làm cho chính quyền thực dân hoảng sợ, chấn động.
Theo lời kể của đồng chí Lê Văn Tý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, vào tháng 3/1940, khi Xứ ủy Nam Kỳ triển khai Đề cương khởi nghĩa thì cùng lúc đồng chí Phan Văn Khỏe, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho được Xứ ủy giao nhiệm vụ thiết kế mẫu lá cờ Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương. Tháng 4/1940, mẫu cờ nền đỏ sao vàng năm cánh ở giữa đã hoàn thành.
Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 7 năm 1940, ở xã Tân Hương, quận Châu Thành đã thông qua phác thảo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa do Tỉnh ủy Mỹ Tho thiết kế làm Quốc kỳ của "Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc" và sẽ treo phổ biến trong toàn Nam Kỳ khi cuộc khởi nghĩa diễn ra.
Và trong đêm 22 rạng sáng 23/11/1940, trong lúc lực lượng khởi nghĩa chiếm nhà việc xã Long Hưng, đồng chí Đặng Văn Hiệp, Bí thư Chi bộ xã Long Hưng cùng đồng chí Nguyễn Văn Tốt dùng tầm vông làm cán cờ treo lá cờ trên chót vót ngọn cây bàng tại đình Long Hưng - trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Cùng với xã Long Hưng, cờ đỏ sao vàng xuất hiện khắp tỉnh Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa, trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn để quần chúng nhân dân nhất tề đứng lên giành lấy chính quyền.
Sau 81 năm, hào khí về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ - một trong những bản hùng ca hùng tráng nhất trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Bộ vẫn còn sáng mãi. Những bài học được rút ra từ cuộc khởi nghĩa mang đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Nam Bộ vẫn còn nguyên giá trị để thế hệ sau học tập và noi theo.
(Theo ND)