Thông qua tuyên truyền, cổ vũ, Hội nghị còn là dịp động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Trải qua 75 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc vẫn còn nguyên giá trị.
Khi Đảng, Nhà nước chú ý lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, khi văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật cảm nhận thấy sự quan tâm, gần gũi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những tâm tư, nguyện vọng của mình, đó là lúc văn hóa nghệ thuật có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là một cách làm phù hợp, kế thừa và phát huy được tinh thần và ý nghĩa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì.
Xuyên suốt dòng chảy của lịch sử, nhất là trong những năm gần đây, Yên Bái luôn nhận thức và chú trọng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển cân đối, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Yên Bái - nơi hội tụ của 30 dân tộc anh em và cũng là ngần ấy sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo hòa quyện, đan xen lẫn nhau tạo cho Yên Bái thành vùng văn hóa đa sắc màu với kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú.
Những năm qua, Yên Bái đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ngày 16/7/1998 về dân tộc, Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của Yên Bái.
Có thể nói, xuyên suốt trong mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ đều nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Yên Bái về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội.
Việc tuyên truyền, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhờ vậy, xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao. Thể chế văn hóa, chính sách văn hóa được phát huy và dần được hoàn thiện.
Các thiết chế văn hóa không ngừng được đầu tư, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chất lượng hoạt động văn nghệ quần chúng, tuyên truyền cổ động, các loại hình dịch vụ văn hóa công cộng được nâng cao. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã đi vào nề nếp, ý thức thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh của người dân được nâng lên.
Các hiện tượng tiêu cực, lợi dụng văn hóa, tín ngưỡng đã được ngăn chặn và đẩy lùi, hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở diễn ra sôi nổi. Bình quân mỗi năm, trên địa bàn diễn ra 40 lễ hội tín ngưỡng dân gian và lễ hội tại các di tích lịch sử.
Nhiều lễ hội truyền thống trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân như: Lễ hội Lồng tồng, xã Thượng Bằng La, Văn Chấn; Lễ hội đền Mẫu Thác Bà, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình; Lễ hội đình, đền, chùa Nam Cường, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái…
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, tỉnh đã tổ chức thành công "Lễ hội sông Hồng” gắn với Lễ hội đền Mẫu Đông Cuông; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải trong giờ thực hành dân vũ. (Ảnh: Mạnh Cường)
Năm 2019, tổ chức màn đại xòe xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam tại thị xã Nghĩa Lộ với sự tham gia của hàng ngàn diễn viên, nghệ nhân… góp phần giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái vùng Mường Lò. Không chỉ lễ hội mà đời sống văn hóa cơ sở có bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở được đẩy mạnh, tạo hiệu ứng cao trong đời sống xã hội, có sức lan tỏa nhanh, sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
Kết quả, năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 60,2%, làng, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 4,7%; 69,2% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 6 xã, phường thị trấn xây dựng xã, phường văn hóa. Năm 2021 đã có 80% số hộ gia đình văn hóa, 66,5% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, 86,1% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa…
Phong trào mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống nhân dân nâng cao, tình làng nghĩa xóm được củng cố, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng tiến bộ, cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp…, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát huy bản sắc văn hóa, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa được đặc biệt quan tâm, đến nay, toàn tỉnh đã có 123 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp (1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 110 di tích cấp tỉnh); 714 di sản văn hóa phi vật thể (4 danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Yên Bái đã biết kết hợp văn hóa với phát triển du lịch, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch danh thắng, du lịch cộng đồng được phát huy. Nếu như năm 2004, Yên Bái mới đón 148.000 lượt khách, trong đó có 3.700 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt chưa đầy 32 tỷ đồng thì năm 2020, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng Yên Bái vẫn đón trên 760.000 lượt khách, trong đó có trên 7.500 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 475 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 19,6%/năm, góp phần tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Yên Bái với mục tiêu phát triển được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, phát huy bản sắc văn hóa gắn với xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo sức mạnh nội sinh cho sự nghiệp đổi mới và phát triển. Khuyến khích, hỗ trợ người dân phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn và gắn với phát triển du lịch, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa.
Yên Bái cũng là địa phương đầu tiên của cả nước đưa chỉ số hạnh phúc thành mục tiêu phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội. Với quan điểm tất cả đều xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, vì sự hài lòng của người dân, quyết tâm xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo sức mạnh nội sinh, xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt, chú trọng đến công tác bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Phong trào "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; triển khai có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Ngọc Trúc