Trước khi bước vào phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày các giải pháp về tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu của Chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…Chiến lược hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, với các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Để đạt mục tiêu trên, Chiến lược đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp, gồm: nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyền truyền về phát triển văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận những nội dung xoay quanh các vấn đề như động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức có ý nghĩa quan trọng để Đảng, Nhà nước ta nhìn nhận lại vai trò của văn hóa, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những gì đất nước đã đạt được, những bất cập còn tồn tại để chấn hưng văn hóa. Phó Thủ tướng mong muốn sau Hội nghị này, không chỉ những người làm văn hóa mà toàn xã hội, toàn dân được truyền cảm hứng, trách nhiệm, niềm tin để văn hóa nước nhà phát triển bền vững hơn, tốt đẹp hơn.
Quang cảnh Hội nghị.
Để thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về văn hóa; quan tâm, chú trọng đến đội ngũ chuyên gia, trí thức, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa, bố trí nguồn lực cho lĩnh vực này. Và quan trọng hơn cả là khơi dậy khát vọng trong toàn dân cùng tham gia để nền văn hóa nước nhà phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên khoa học - công nghệ, việc học hỏi tiếp thu những tinh hoa của nhân loại để tạo ra một nền văn hóa riêng biệt của Việt Nam là điều rất quan trọng, đặc biệt là trong không gian số như hiện nay. Các cấp, các ngành bằng hành động cụ thể chú trọng hơn đến văn hóa, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện vai trò nêu gương trong việc xây dựng văn hóa, có nhiều hoạt động, chương trình cụ thể, thiết thực, chắc chắn để lan tỏa giá trị truyền thống của dân tộc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà, bản sắc hòa vào dòng chảy của văn minh nhân loại.
Thanh Chi – Đức Toàn