Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có các đồng chí: Đỗ Đức Duy – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Tạ Văn Long – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND, ban xây dựng Đảng tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
Hội nghị còn được tổ chức trực tuyến tại 9 điểm cầu huyện, thị, thành phố trong tỉnh với tổng số tham dự toàn tỉnh là 1.738 đại biểu.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Triển khai quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mới đây Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ và Quy định mới về những điều đảng viên không được làm.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương báo cáo những nội dung chủ yếu về Kết luận số 21 – KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đầy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”; Kế hoạch số 03 – KH/TW của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Kết luận số 21 –KL/TW và Quy định số 37 – QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Trong đó khẳng định: Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu hàng đầu được nhấn mạnh trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, đó là: "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Bài học về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bài học kinh nghiệm xuyên suốt của Đảng từ khi thành lập đến nay, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng.
Kết luận số 21 tiếp tục nhấn mạnh những mặt đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, đó là: sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy, tổ chức Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng; xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan, đối với cán bộ, đảng viên vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên.
Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương cũng đề cập thẳng thắn đến những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đồng thời chỉ rõ những yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Báo cáo cũng nêu rõ nội dung Kế hoạch số 03 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận số 21 của Ban chấp hành Trung ương, trong đó tập trung vào 11 nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, tổ chức; đồng thời phổ biến Quy định số 37 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về 19 điều Đảng viên không được làm.
Hội nghị đã nhận được 26 báo cáo tham luận của cấp ủy, tổ chức Đảng. Hầu hết các tham luận cụ thể, sâu sắc, nêu rõ những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Yên Bái thực hiện đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, khắc phục 27 biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII
Đối với Yên Bái, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 7 nhiệm vụ trong tâm của nhiệm kỳ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đưa chỉ tiêu "Tỷ lệ số cán bộ, đảng viên thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương hàng năm” vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.
Ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện, ban hành đồng bộ các nghị quyết, quy định để cụ thể hóa các nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, kết hợp giữa "xây" và "chống”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, khắc phục 27 biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra; kịp thời xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm.
Trong đó, chú trọng lãnh đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; duy trì thường xuyên việc đưa Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị vào nội dung sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của chi bộ, cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần khẳng định, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, tạo sự thống nhất, quyết tâm trong Đảng bộ và củng cố niềm tin của nhân dân.
Công tác xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta và công tác xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Từ những kinh nghiệm và bài học thành công cũng như chưa thành công trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI, XII vừa qua và để có sự thống nhất cao hơn nữa về nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những điểm mới trong Kết luận, Quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này và nêu rõ quan điểm toàn Đảng, toàn dân phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Kết luận và Quy định, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận và Quy định trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách; mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Tổng Bí thư yêu cầu ngay sau Hội nghị, các cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động chương trình học tập quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, của ngành, của cơ quan, đơn vị; phải làm nghiêm túc, thiết thực, có sự phân công trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, tránh hời hợt, hình thức; thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bao gồm thực hiện 10 nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, các quy định khác của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
Kết hợp chặt chẽ giữa "xây” và "chống”, "chống” và "xây”; đẩy mạnh việc học tập Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nêu gương người tốt việc tốt. Đồng thời ngăn ngừa, cảnh cáo, phê phán và xử lý nghiêm các trường hợp sai trái, đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực, những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử… của các cơ quan chức năng; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của các đoàn thể, của báo chí…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu tự giác. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình cần chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất, tuyệt đối tránh thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, "ngậm miệng ăn tiền" hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Đây cũng là dịp để hiểu thêm cán bộ, có cơ sở để đánh giá cán bộ, xem xét kết hợp chuẩn bị quy hoạch cán bộ cho thời gian tới
Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng, với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, được nhân dân đặt nhiều kỳ vọng, hưởng ứng, đồng tình ủng hộ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Kết luận, Quy định của Hội nghị Trung ương 4, khoá XIII và các nghị quyết, quyết định khác, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, thật sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
Thu Trang – Mạnh Cường