Sáng nay 18/1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung lớn của Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đây là dự án luật đầu tiên của Quốc hội khoá XV, đã được trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Đề nghị cân nhắc phương án không quy định
Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, liên quan đề xuất bổ sung "Huy chương Thanh niên xung phong (TNXP) vẻ vang”, tại Kỳ họp thứ 2, có hai loại ý kiến cơ bản là đồng ý và không đồng ý. Có ý kiến đồng ý bổ sung nhưng chỉ áp dụng đối với đối tượng đã tham gia các cuộc kháng chiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh.
Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân luôn luôn đánh giá cao và ghi nhận công lao hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung của dân tộc của lực lượng TNXP bằng việc trao tặng nhiều hình thức khen thưởng cao nhất của Nhà nước và về cơ bản, các cán bộ, đội viên TNXP đã được xét khen thưởng như những đối tượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo niên hạn, công trạng, thành tích.
TNXP nếu là người có công với Cách mạng còn được thực hiện chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng và những chính sách khác đối với TNXP trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế, TNXP cơ sở ở miền Nam….
Thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng, để ghi nhận đóng góp xây dựng lực lượng TNXP tập trung tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, cán bộ, đội viên TNXP có thành tích đã được tặng "Kỷ niệm chương TNXP”.
"Trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các chuyên gia, cơ quan, tổ chức có liên quan, Thường trực Uỷ ban đề nghị cân nhắc phương án không quy định hình thức khen thưởng Huy chương TNXP vẻ vang như quy định của dự thảo Luật; giao Chính phủ căn cứ kết quả tổng kết thành tích kháng chiến để đề xuất cơ quan có thẩm quyền có hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng phù hợp đối với người tham gia kháng chiến (trong đó có TNXP) chưa đủ điều kiện được tặng Huy chương kháng chiến hoặc hình thức khen thưởng kháng chiến khác theo quy định” - bà Nguyễn Thuý Anh cho biết.
"Có lợi hơn thì nên làm”
Không đồng tình với quan điểm trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần bổ sung hình thức khen thưởng trên, song cần thu hẹp phạm vi đối tượng trong khác chiến.
"Tôi nghĩ cái gì có lợi hơn, tốt hơn thì nên cân nhắc quy định” - bà Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh việc bổ sung "Huy chương TNXP vẻ vang” mang ý nghĩa cả về mặt chính trị, xã hội và giáo dục truyền thống.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Nêu tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội cho thấy loại ý kiến đồng ý tương đương không đồng ý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì tiêp thu, chỉnh lý cần thể hiện rõ các lý lẽ của hai loại ý kiến trên.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Thông báo số 120-TB/TW ngày 18/01/2013 về Đề án đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, theo đó cần "giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước”, song theo ông Hoàng Thanh Tùng, Ban Bí thư gần đây cũng có kết luận đồng ý chủ trương tặng thưởng cho TNXP. Cá nhân ông tán thành với đề xuất quy định nhưng điều chỉnh về phạm vi và điều kiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục cho rằng việc khoanh lại TNXP thời kỳ kháng chiến chứ không bao hàm rộng "xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là phù hợp, cần cân nhắc phương án này.
"TNXP có nhiều cống hiến, việc luật có công nhận huy chương cũng hoàn toàn thoả đáng” - ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là cần thu hẹp phạm vi hình thức khen thưởng cấp nhà nước, chứ không phải không được bổ sung.
Ông Vương Đình Huệ ủng hộ phương án bổ sung hình thức "Huy chương TNXP vẻ vang” cho đối tượng có thành tích trong kháng chiến và việc tổ chức khen thưởng "ai rõ trước làm trước, có thể nhiều năm mới xong”.
Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đánh giá kỹ tác động vì đây là vấn đề được cử tri rất quan tâm. Ông cũng đặt vấn đề nếu khu biệt lại đối tượng trong thời kỳ kháng chiến thì các đối tượng sau này thế nào.
Phát biểu giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, được đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm. Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Quan điểm của cơ quan soạn thảo là mong muốn được giữ như đề xuất để trình Quốc hội, còn mức độ ở thời kỳ háng chiến hay thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét ở các góc độ vì quy định này có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc” - bà Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ.
(Theo VOV)