Các đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện liên danh tư vấn đã trình bày 8 chuyên đề tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương trình bày 4 chuyên đề của ngành công thương bao gồm: thực trạng và định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; thực trạng và phương án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh Yên Bái; thực trạng và phương án phát triển năng lượng, mạng lưới cấp điện, dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt tỉnh Yên Bái; thực trạng và phương án phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ, phương án tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.
Viện Nghiên cứu quản lý đất đai trình bày về phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chình cấp huyện, vùng liên huyện tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050.
Viện Khoa học xã hội và Môi trường trình bày 3 chuyên đề về thực trạng và phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực trạng phương án thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050; thực trạng phương án quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi nghe các báo cáo chuyên đề, đại biểu các sở, ngành và địa phương đã có ý kiến đề nghị các đơn tư vấn xây dựng Quy hoạch cần tiếp tục làm việc thật cụ thể với từng ngành và các địa phương trong công tác lập quy hoạch.
Việc lập Quy hoạch cần căn cứ thực trạng ngành, định hướng phát triển vùng, căn cứ nghị quyết của đảng bộ các huyện, căn cứ xu hướng phát triển ngành… Cùng với đó, đánh giá thực trạng của ngành, nghề phải gắn được với tiềm năng, lợi thế để phát triển, từ đó chỉ ra được thực trạng, hạn chế yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó.
Trong định hướng phát triển ngành, phải nêu được sự bứt phá, đột phá và những giải pháp để thực hiện, cụ thể hóa sự đột phá trong giai đoạn kế tiếp.
Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị điều chỉnh lại một số quy hoạch, phân bố không gian phù hợp với hiện trạng, cung cấp thông tin quy hoạch một cách cụ thể…
Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, phát huy tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho rằng, Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, phát huy được tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, hóa giải được những hạn chế yếu kém, thách thức khó khăn.
Các quy hoạch chuyên ngành này có vai trò quan trọng phục vụ cho Quy hoạch tỉnh Yên Bái trong giai đoạn tới để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đồng chí đề nghị cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt trong việc phối hợp giữa các sở, ngành với đơn vị tư vấn để tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới; cần gắn với các nghị quyết chuyên đề của tỉnh, phân tích, đánh giá, dự báo, cập nhật với các quy hoạch quốc gia đảm bảo sự thống nhất.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng thuận với các ý kiến tham gia vào các bản quy hoạch chuyên ngành, yêu cầu đơn vị tư vấn cần quy hoạch theo dạng mở, đảm bảo sinh kế bền vững, lâu dài cho người dân. Đồng thời đề nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc triển khai các nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực tế.
Đề nghị xây dựng lịch làm việc, thống nhất quan điểm, số liệu giữa các đơn vị tư vấn với các sở ngành, địa phương hoàn thiện các nội dung trong tháng 3, báo cáo UBND tỉnh về tiến độ, đồng thời chịu trách nhiệm trước những nội dung làm việc.
Đối với đơn vị tư vấn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch, thống nhất đảm bảo chất lượng và tiến độ đặt ra, trên cơ sở góp ý của các sở, ngành, địa phương.
Văn Thông