Với chủ đề "Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 diễn ra từ 9 - 11/3 vừa qua tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Với 5 quan điểm phát triển có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng, nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Đại hội xác định thực hiện 8 chỉ tiêu chủ yếu, 1 phong trào thi đua, 1 cuộc vận động, 2 khâu đột phá, 3 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhóm giải pháp chung.
Trở về sau Đại hội, phấn khởi trước thành công Đại hội và nhiều niềm tin cho nhiệm kỳ tới, các đại biểu phụ nữ Yên Bái đã có những trao đổi, chia sẻ sâu thêm về một số nội dung của Đại hội.
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh:
Kỳ Đại hội này đã thành công tốt đẹp với những dấu ấn đậm nét. Quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội, nhất là việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội phụ nữ toàn quốc XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.
Cụ thể, Hội LHPN tỉnh Yên Bái sau khi có văn bản triển khai lấy ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp Hội lấy ý kiến cán bộ, hội viên tại các cuộc họp, sinh hoạt chi/tổ phụ nữ; đồng thời đăng tải các văn kiện trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội Facebook, Zalo của Hội để nội dung các văn kiện đến được rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đã quán triệt nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, kết tinh được trí tuệ, phản ánh nguyện vọng, nhu cầu thiết thân, khát vọng phát triển của các tầng lớp phụ nữ và tổ chức Hội.
Công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều mặt, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm để Đại hội bầu được Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam khóa XIII có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới. Khâu hậu cần, an ninh đảm bảo chu đáo, an toàn. Trong khuôn khổ Đại hội, nhiều hoạt động đã diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả…
Đoàn đại biểu Yên Bái tham dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sáng 10/3/2022.
Trong không khí đó, đoàn đại biểu phụ nữ Yên Bái cũng đã phát huy cao tinh thần đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, tích cực tham gia các nội dung, chương trình, hoạt động, góp phần vào thành công của Đại hội.
Để Nghị quyết của Đại hội sớm đi vào cuộc sống, ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội nhanh chóng thông tin, tuyên truyền kết quả Đại hội tới cán bộ, hội viên. Trong năm 2022 sẽ tổ chức các lớp tập huấn triển khai Nghị quyết, Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội khóa mới.
Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương Hội, đồng thời căn cứ vào Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh sẽ cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết của Đại hội phù hợp với thực tế tại địa phương; chỉ đạo các cấp Hội vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thi đua thực hiện thắng lợi 8 chỉ tiêu, 1 phong trào thi đua, 1 cuộc vận động, 2 khâu đột phá và 3 nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.
Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh:
Tại kỳ Đại hội này, hình thức thảo luận, trao đổi thông tin được đổi mới. Tại Đại hội đã có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội; trong đó, có 18 tham luận và 10 clip trình bày tại các phiên toàn thể của Đại hội.
Bên cạnh các tham luận trình bày trong các phiên toàn thể, Đại hội tổ chức 5 trung tâm thảo luận với các chủ đề về: xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; phụ nữ trong nền kinh tế số; vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Các chủ đề thảo luận rất sát thực với phong trào phụ nữ và công tác Hội. Nhiều nội dung, vấn đề đưa ra trong thảo luận là những vấn đề được nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ quan tâm…
Việc thực hiện đồng thời các trung tâm thảo luận như vậy giúp đại biểu có cơ hội được thảo luận, tham luận theo các chủ đề mình quan tâm và tiếp cận với nhiều chủ đề khác nhau phù hợp với lĩnh vực công việc, đồng thời có nhiều thời gian để trao đổi, bàn luận về những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả phương hướng hoạt động trong 5 năm tới.
Bản thân tôi đã tham gia thảo luận tại trung tâm thảo luận số 3 với chủ đề "Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”. Qua buổi thảo luận tại trung tâm, tôi cùng với các đại biểu đã thống nhất vai trò quan trọng, trách nhiệm của phụ nữ trong vun đắp và phát huy các giá trị gia đình Việt; đồng thời, tham mưu các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm liên quan đến phụ nữ và gia đình.
Cá nhân tôi mong muốn và đề xuất, để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, những nội hàm cụ thể các giá trị gia đình cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay gồm 4 tiêu chí: an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng.
Trong khuôn khổ các hoạt động thảo luận, các đại biểu đã đóng góp được 5.671 sáng kiến vì phụ nữ và trẻ em, trong đó, 354 sáng kiến do bản thân thực hiện, 2.316 sáng kiến để đơn vị mình thực hiện và 3.061 sáng kiến sẽ do các cấp Hội LHPN Việt Nam tổ chức triển khai.
Nội dung các sáng kiến tập trung vào các lĩnh vực: đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em, chăm sóc về vật chất và tinh thần cho phụ nữ. Con số này cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu trong tham gia thảo luận và hiệu quả thiết thực của hoạt động thảo luận. Tôi cho rằng, mỗi đại biểu cũng như các đoàn đại biểu đều tiếp nhận được nhiều giá trị ý nghĩa qua thảo luận, trao đổi thông tại Đại hội.
Bà Trần Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh:
3 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 được xác định theo 3 yếu tố quan trọng của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội.
Nhiệm vụ 1 sẽ tập trung vào các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh trên cơ sở xác định hội viên, phụ nữ là nhân tố sống còn - liên quan đến chức năng đại diện của Hội.
Nhiệm vụ 2 sẽ tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện chức năng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng chính trị của Đảng, trong đó chú trọng giám sát, phản biện xã hội và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Đây là nhân tố nền tảng, quy định thể chế, cơ chế, phương tiện... định hướng chính trị của tổ chức Hội.
Nhiệm vụ 3 tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế trên cơ sở xác định tổ chức Hội là nhân tố chủ chốt để thực hiện thành công chức năng, nhiệm vụ chính trị của Hội.
3 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2022 - 2027 được Đại hội xác định là hoàn toàn phù hợp, phản ánh nguyện vọng, nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ và yêu cầu, khát vọng phát triển của tổ chức Hội trong giai đoạn hiện nay. Các nội dung và giải pháp đề ra để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm này cụ thể, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, dân tộc, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng thời vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Để thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm trên, các cấp Hội LHPN trong tỉnh sẽ quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm "Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ” để cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy thế mạnh của mình, thực hiện khát vọng vươn lên, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đề ra, xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Bà Bồ Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trấn Yên:
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp hội phụ nữ đã thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” mang lại hiệu quả thiết thực góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy các cấp đánh giá cao.
Đại hội kỳ này tiếp tục phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tuy không thay đổi về tên gọi nhưng nội hàm có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Nội dung của cuộc vận động sẽ toàn diện hơn, không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với các tiêu chí nông thôn mới nâng cao mà còn góp phần xây dựng gia đình Việt ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Ngoài ra, trong triển khai sẽ thí điểm thực hiện tiêu chí "5 có” (có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa) ở những địa bàn thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Việc triển khai Cuộc vận động với sự thay đổi như vậy vừa tiếp tục kế thừa, phát huy được những thành quả của cuộc vận động trước đó vừa phù hợp với giai đoạn mới. Đồng thời, việc triển khai thí điểm thực hiện tiêu chí "5 có” càng phát huy giá trị chiều sâu của cuộc vận động, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Bà Lường Thị Thiết - Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ:
Hai khâu đột phá mà Đại hội xác định sẽ nhằm tập trung giải quyết khâu yếu của nhiệm kỳ trước về chất lượng hoạt động Hội ở cơ sở, đặc biệt là chi, tổ hội phụ nữ, đưa hoạt động Hội ngày càng sát với hội viên, phụ nữ; đồng thời phù hợp với định hướng xây dựng xã hội số của đất nước.
Theo tôi, đây là điều rất cần thiết và rất phù hợp trong chỉ đạo hoạt động Hội. Trong giai đoạn đất nước đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặt ra yêu cầu Hội phải xây dựng được hệ thống dữ liệu nền về hội viên, cán bộ hội, cán bộ nữ, dữ liệu báo cáo… nhằm phục vụ hiệu quả công tác điều hành, quản lý, nghiên cứu trong hệ thống Hội.
Để làm tốt thì đòi hỏi các cơ sở dữ liệu, phần mềm tác nghiệp phải được làm tốt từ cơ sở; đồng thời công tác thông tin, tuyên truyền cũng ngày càng được tăng cường theo hướng tận dụng thế mạnh của truyền thông xã hội...
Điều này cũng yêu cầu cán bộ hội các cấp phải có kiến thức, kỹ năng trong tổ chức, cung cấp thông tin bảo đảm chính thống, chính xác và có tính định hướng, giáo dục cao thông qua các trang tin và mạng xã hội ở cơ sở tới hội viên, phụ nữ, đảm bảo phù hợp với từng vùng miền và các tầng lớp phụ nữ.
Tin tưởng rằng, với hai khâu đột phá này, chất lượng hoạt động ở cơ sở của tổ chức Hội, đặc biệt là chi, tổ hội phụ nữ sẽ được nâng cao hơn nữa, đưa hoạt động Hội ngày càng sát với hội viên, phụ nữ, để Hội ngày càng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình.
Thu Hạnh (thực hiện)