Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Chu Đình Ngữ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh.
Quy định số 57 của Ban Bí thư có 4 chương, 12 điều được ban hành nhằm thay thế các điều, khoản trong các quy định trước đây không còn phù hợp nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ trong tình hình mới.
Quyết định số 57 tập trung phạm vi điều chỉnh gồm những đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp và cao cấp trong hệ thống chính trị; áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang và các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; các học viện, trường, trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.
Cụ thể, tiêu chuẩn thấp nhất là đối tượng được đào tạo sơ cấp lý luận chính trị, chỉ cần tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên. Đối tượng được đào tạo trung cấp lý luận chính trị phải đáp ứng các tiêu chuẩn là đảng viên dự bị hoặc chính thức; tốt nghiệp cao đẳng trở lên; với cán bộ học hệ không tập trung thì nữ phải từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.
Mức cao nhất là tiêu chuẩn được đào tạo cao cấp lý luận chính trị phải là đảng viên chính thức, tốt nghiệp đại học trở lên; với cán bộ học hệ không tập trung thì nữ phải từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Đối với các cơ sở đào tạo như: trung tâm chính trị cấp huyện được giao đào tạo sơ cấp chính trị; trường chính trị cấp tỉnh đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của địa phương và của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn. Một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lực lượng vũ trang. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là nơi duy nhất được giao đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang khẳng định, Quyết định số 57 đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị; góp phần góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của việc học tập lý luận chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi "bệnh” ngại, lười học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên.
Việc thực hiện Quyết định số 57 cần bám sát chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về công tác đào tạo lý luận chính trị; tổ chức đào tạo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, theo phân cấp và phù hợp với chức vụ, chức danh cán bộ. Việc đào tạo lý luận chính trị bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ gắn với quy định của Đảng về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan trong đào tạo lý luận chính trị. Việc học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Các ý kiến tham gia tại Hội nghị sẽ được Ban Tổ chức Trung ương xem xét, tổng hợp và gửi lên cấp trên để kịp thời có hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 57 một cách tốt nhất.
Hoài Văn