Giá trị cốt lõi, bền vững của chủ nghĩa xã hội trong cuốn sách của Tổng Bí thư

  • Cập nhật: Thứ bảy, 19/3/2022 | 9:44:34 AM

Trong hành trình của mình, nhân loại tiến bộ luôn khao khát về một chế độ xã hội ngày càng tốt đẹp. Thuở đầu, những ước mơ, khát vọng đó được thể hiện trong các truyền thuyết, huyền thoại, trong lý thuyết các tôn giáo chân chính và cuối cùng là trong các học thuyết xã hội.

Với trí tuệ uyên bác và được thôi thúc bởi những giá trị cao cả của chủ nghĩa nhân đạo cùng trải nghiệm cá nhân phong phú, những người sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin đã kế thừa tinh hoa tư tưởng của nhân loại để sáng tạo nên một học thuyết khoa học vĩ đại. Học thuyết đó không chỉ vạch rõ bản chất của lịch sử, mà còn đưa ra những dự báo khoa học cho tương lai. Theo đó, dù khó khăn, phức tạp và đôi khi là những thụt lùi song chủ nghĩa xã hội là tương lai của nhân loại. 
 
Những người sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin đã luận chứng một cách có căn cứ rằng, trên cơ sở liên hợp của những người lao động, dưới sự lãnh đạo của chính đảng cách mạng chân chính, giai cấp công nhân và nhân dân lao động sẽ kiến tạo một chế độ xã hội có khả năng tiếp tục thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ. 

Trong quá trình đó, dân chủ thật sự của người lao động được thực thi với nhiều hình thức, công cụ mà nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ hùng mạnh nhất. Các dân tộc trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia cùng chung sống trong một môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác để phát triển vì lợi ích chung. Do đó, nạn áp bức dân tộc vĩnh viễn bị xóa bỏ. Vì lẽ đó, chủ nghĩa xã hội là hiện thân của những giá trị tốt đẹp mà nhân loại khao khát hướng tới.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ rất lâu dài, gian khổ mà còn không có một hình mẫu duy nhất cho mọi quốc gia. Vì vậy, câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì, con đường nào để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vẫn luôn được các chính đảng công nhân đặt ra và giải đáp.

Là người đứng đầu Đảng ta, trước yêu cầu của thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công nghiên cứu và có những kiến giải sâu sắc. Ý kiến của Tổng Bí thư được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tập hợp trong tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. 

Với 29 bài viết chọn lọc, phản ánh một tầm tư duy sâu sắc, một niềm tin sắt đá vào chủ nghĩa xã hội cũng như tiền đồ tươi đẹp của dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư đã đề cập đến những vấn đề trọng yếu nhất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong đó có những giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới.

Tổng Bí thư đã cho thấy, trong điều kiện Việt Nam, để mang lại hạnh phúc thật sự cho nhân dân, cần phải kiên trì, kiên định các giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Các giá trị đó phải được nhận thức và vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện Việt Nam và bối cảnh mới của thời đại.

Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải hướng đến mục tiêu vì sự phát triển bền vững cho con người. Mục tiêu đó là nhất quán và xuyên thấm toàn bộ hành trình của người cộng sản khi phải đối mặt với tình trạng tha hóa bản chất con người do các chế độ có giai cấp bóc lột đưa lại.

Tổng Bí thư đã trả lời một cách thuyết phục một câu hỏi đặc biệt lớn của thời đại chúng ta, nhất là sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các quốc gia khu vực Đông Âu, đó là "lịch sử cáo chung”, chủ nghĩa tư bản là nấc thang cuối cùng hay chủ nghĩa xã hội là tương lai của nhân loại và tại sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? 

Với thái độ khách quan, khoa học, Tổng Bí thư nhận định: "Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”.

Nhận định trên đây đề cập đến một khía cạnh mà chúng ta dễ lãng quên, rằng, thành tựu của chủ nghĩa tư bản, nhất là những điều chỉnh theo hướng quan tâm hơn trong giải quyết các chế độ phúc lợi xã hội còn là kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và người lao động. Đây là một lưu ý đặc biệt cần thiết để không lý tưởng hóa các giá trị tư sản, ca ngợi chủ nghĩa tư bản một chiều. 

Cần thấy rằng, hào quang ấy đã phải trả giá bằng sự bần cùng hóa với tốc độ ngày càng lớn đối với người lao động, hình thành thế giới đối nghịch giữa 1% và 99%; sự cạn kiệt tài nguyên và hệ sinh quyển sống; sự thừa thãi và lãng phí ở cấp độ toàn cầu; sự xung đột, chiến tranh và nạn khủng bố quốc tế; sự chia rẽ sâu sắc giữa các dân tộc, sắc dân; sự chà đạp nhân phẩm hay bản sắc mà một số học giả tư sản đã cảnh báo…

Vì lẽ đó, chủ nghĩa xã hội là hiện thân của chủ nghĩa nhân đạo được xây nền, rọi sáng bởi những giá trị văn hóa có tính khai sáng của nhân loại. Cũng vì thế, Tổng Bí thư khẳng định: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”. "Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”. "Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.

Để thực hiện mục tiêu cao cả đó và bác bỏ luận điệu chủ nghĩa xã hội là "sự chia đều sự nghèo khổ cho mọi người”, những người sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhất quán rằng, những giá trị của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể từng bước được hiện thực hóa khi và chỉ khi đạt được sự thăng tiến của lực lượng sản xuất xã hội. 

Trong điều kiện Việt Nam, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là "nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Theo đó, giữa kinh tế không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với xã hội, "tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”. Điều này cho thấy, thể chế kinh tế đó không phải là sự gán ghép có tính cơ học như một số luận điệu của các phần tử cơ hội, phản động mà là sự kết hợp hữu cơ giữa hai yếu tố thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Là một chỉnh thể, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn thể hiện ở phương diện chính trị. Đó là một nền chính trị mà mọi quyền lực xã hội đều thuộc về nhân dân và phục vụ nhân dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa khác về bản chất so với các kiểu nhà nước đã từng có trong lịch sử bởi  "Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân-yếu tố bản chất nhất của dân chủ”. 

Do đó, "chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. 

Với bản chất của mình, chủ nghĩa xã hội không chỉ đưa lại sự giàu có về vật chất mà suy cho cùng phải tạo ra một hệ sinh thái tinh thần bảo đảm cho sự phát triển tự do, toàn diện của con người. Đó là một hệ sinh thái nuôi dưỡng lòng nhân ái, sự hòa mục, đồng thuận giữa con người với con người và giữa các cộng đồng, dân tộc để "bản chất loài” như quan niệm của C.Mác được phát lộ. Do đó, phát triển bền vững phải là sự phát triển dựa trên nền tảng văn hóa, vì mục tiêu văn hóa và động lực cũng là văn hóa. 

Tổng Bí thư cho rằng, "Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Theo ý nghĩa đó, công cuộc đổi mới là một công trình văn hóa.

Trước hiểm họa môi trường tự nhiên bị hủy hoại, một vấn đề hết sức nóng bỏng không thể không đề cập đến như là một trong những giá trị của chủ nghĩa xã hội, đó là làm sao để sự phát triển bền vững không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn cho cả môi trường. Do đó, "Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.

Để những giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trở thành hiện thực, Tổng Bí thư cho rằng, cần "Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Có thể nói, cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuy dung lượng không lớn song chứa đựng nhiều tư tưởng lớn về chủ nghĩa xã hội. Đó là kết quả của quá trình lao động kiên trì, đầy tâm huyết, trách nhiệm với Đảng, nhân dân và Tổ quốc, không chỉ góp phần soi sáng con đường cách mạng trong công cuộc đổi mới hiện nay mà còn là sự cổ vũ to lớn cho toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta tiếp tục tiến lên thực hiện thành công di nguyện của Bác Hồ.
(Theo Nhân dân)

Các tin khác
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hướng tới một nền dân chủ, công bằng, công lý, hiện đại, nhân văn, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Quang cảnh Hội nghị

Ngày 17/3, Quân khu 2 tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác hội nhập quốc tế (HTQT) và công tác đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) giai đoạn 2015 - 2021 và triển khai phương hướng đến năm 2025.

Đồng chí Nguyễn Quốc Luận – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, khóa XV phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 17/3, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Luận – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Công ty Điện lực Yên Bái về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quản lý, sử dụng nguồn lực giai đoạn 2016-2021.

Sáng 17/3, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị thống kê toàn quốc “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục