Đồng chí Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam
Đồng chí Lê Duẩn, tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907 trong một gia đình, làng quê có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Các phong trào yêu nước diễn ra trên mảnh đất quê hương đã tiếp thêm dũng khí cách mạng, thôi thúc người thanh niên vừa bước vào tuổi mười tám nung nấu một ý chí "phải đánh giặc Tây” giành lại độc lập, giải phóng đồng bào khỏi gông cùm nô lệ.
Quyết tâm đi theo con đường đã chọn, năm 1925, người thanh niên Lê Văn Nhuận rời gia đình tham gia hoạt động cách mạng. Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, đồng chí đã đến với "Đường Cách mệnh” của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ năm 1928 và đến giữa năm 1930 trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1931 đồng chí được phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó đồng chí bị địch bắt ở Hải Phòng và bị kết án 20 năm tù cấm cố, lần lượt bị giam tại các nhà tù của chế độ thực dân Pháp như Hoả Lò (Hà Nội), Sơn La, Côn Đảo trong những năm từ 1931 đến 1936. Sự tàn bạo của kẻ thù không làm đồng chí khuất phục; trái lại, càng tôi luyện thêm ý chí, rèn đúc thêm trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, làm cho đồng chí trở thành người lãnh đạo kiên cường, được nhân dân tin yêu, bạn bè đồng chí cảm phục.
Năm 1936, rời nhà tù Côn Đảo trở về, bất chấp sự đe dọa, quản thúc của kẻ thù, mặc dù sức khỏe giảm sút sau những năm tháng bị tù đày, đồng chí vẫn lặn lội khắp miền Trung để chắp nối liên lạc, tuyên truyền, vận động cách mạng. Chỉ sau một thời gian ngắn, các cơ sở cách mạng của Đảng dần dần được khôi phục. Cơ quan lãnh đạo của Đảng từ cấp cơ sở đến huyện, tỉnh và Xứ ủy từng bước được lập lại. Và trên cương vị Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí đã lãnh đạo các tổ chức đảng phát động quần chúng đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, xuất bản báo chí, lợi dụng nghị trường làm diễn đàn đấu tranh, góp phần vào những thắng lợi quan trọng trong cao trào đấu tranh cách mạng trên cả nước thời kỳ 1936-1939.
Năm 1945, lần thứ hai rời nhà tù Côn Đảo, đồng chí trở về tham gia hoạt động cách mạng ở Nam Bộ. Sự tham gia của đồng chí và các cựu tù chính trị Côn Đảo đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Nam Bộ cả về tư tưởng và tổ chức.
Lúc này, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đang trong thời kỳ gay go, lực lượng cách mạng còn mỏng, lại ở tình trạng phân tán, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 5/1946 đã chỉ định đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Cuối năm 1947, tại Đại hội Đảng bộ Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy. Trên cương vị này, đồng chí đã đề ra một loạt chủ trương quan trọng: mở rộng chiến tranh nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn; chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sĩ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công-nông-trí nên cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng mở rộng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã thay mặt Trung ương Đảng và Bác Hồ, trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Nam Bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, tổ chức tại Hà Nội từ 14 - 20/12/1976. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí tiếp tục ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng chí đi khắp các địa bàn Nam Bộ, từ bưng biền Đồng Tháp đến trung tâm Sài Gòn-Chợ Lớn để nắm bắt tình hình, củng cố các cơ sở cách mạng và cùng Xứ ủy Nam Bộ thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam. Tinh thần cốt lõi của Đề cương sau này được thể hiện đầy đủ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (năm 1959), mở ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam. Những tư tưởng ấy tiếp tục được bổ sung, phát triển trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX, là những đóng góp có ý nghĩa quyết định, dẫn đến Đại thắng mùa Xuân 1975.
Giữa năm 1957, đồng chí được Trung ương điều ra Hà Nội công tác bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc vai trò người chuẩn bị những quyết sách chiến lược của cách mạng cả nước.
Trên cương vị là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định, hoàn thiện đường lối và phương pháp cách mạng, đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Sau khi Chủ tịch Hồ Chỉ Minh qua đời (tháng 9/1969), đồng chí đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng kế tục và hoàn thành xuất sắc tâm nguyện của Người, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước cùng bước vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tại các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IV (tháng 12/1976), lần thứ V (tháng 3/1982) và nhiều hội nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí đã cùng với Ban lãnh đạo của Đảng từng bước xây dựng một hệ thống quan điểm về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Một tư duy cách mạng sáng tạo
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn bên bờ sông Thạch Hãn ở làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành (Triệu Phong, Quảng Trị).
Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn hay nhắc tới luận điểm nổi tiếng của V.I. Lênin "chân lý là cụ thể” và cho rằng "cách mạng là sáng tạo”. Trong kho tàng tư tưởng lý luận của Tổng Bí thư Lê Duẩn, tư duy sáng tạo, độc lập, tự chủ, tầm nhìn chiến lược hết sức sâu sắc của đồng chí trong tiến trình phát triển và trước những tình huống phức tạp của cách mạng, nhất là trong các giai đoạn có tính quyết định của lịch sử, là di sản vô cùng quý báu, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của đồng chí Lê Duẩn được thể hiện từ rất sớm, tiêu biểu là những đóng góp xuất sắc của đồng chí cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vào thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 11/1939), Hội nghị mở đầu quá trình chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam. Hội nghị nhận định: "Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy độc lập” (1). Dựa trên sự chuyển hướng chiến lược cách mạng, Hội nghị đã chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, sớm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương nhằm đánh đổ chế độ thuộc địa dã man, tàn bạo.
Đồng chí cũng đã đóng góp nhiều nội dung quan trọng với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951) về giai cấp vô sản và Đảng Cộng sản; về vị trí, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng Việt Nam; về vị trí, vai trò của nông dân trong cách mạng vô sản Việt Nam; về chiến tranh nhân dân; về chính sách kinh tế; về chính trị và chính quyền...
Bằng những luận cứ hết sức vững chắc cả về lý luận và thực tiễn, đồng chí đã phân tích sâu sắc, khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng Việt Nam và nêu rõ: "Không hiểu rõ những đặc điểm cách mạng Việt Nam, nhận xét giai cấp vô sản Việt Nam tách rời phong trào cách mạng vô sản thế giới, tách rời tình hình cụ thể về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và quá trình chuyển biến của phong trào giải phóng dân tộc qua các thời kỳ, thì chúng ta sẽ không đánh giá một cách đầy đủ vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với cách mạng Việt Nam” (2).
Đồng chí Lê Duẩn cũng có những đóng góp lý luận quan trọng trong việc tìm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là các quan điểm giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội...
Tư duy sáng tạo của đồng chí được thể hiện rõ nét khi Đảng ta bước đầu khởi xướng quá trình đổi mới quản lý kinh tế từ Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa V) "Về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế”. Đồng chí khẳng định: "Đảng và Nhà nước ta đã có những cố gắng to lớn khắc phục một bước cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp và xúc tiến việc hoàn chỉnh cơ chế quản lý mới nhằm thực hiện đúng những nguyên tắc quản lý kinh tế, vừa bảo đảm sự tập trung thống nhất quản lý của Trung ương vừa mở rộng và phát huy quyền chủ động sáng tạo của các cơ sở, các địa phương, các ngành trong sản xuất kinh doanh, thực hiện quyền làm chủ tập thể của quần chúng lao động, khuyến khích mạnh mẽ tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế” (3). Cho đến cuối đời, đồng chí Lê Duẩn vẫn không ngừng trăn trở với những vấn đề cuộc sống đặt ra, suy nghĩ, tìm tòi con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với cách mạng Việt Nam.
Nhìn suốt chặng đường lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau khi giành độc lập, có thể thấy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn và cũng là của Đảng ta về xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và đã được hiện thực hóa thành công.
Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng và gần 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ Nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện rõ là một nhà lý luận có tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam với một tư duy sáng tạo lớn, đã có những cống hiến xuất sắc về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đánh giá công lao và tài năng của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta khẳng định:"Là chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa… Là một người Maxit-Lênin nít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”.
-------------------------------------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 6, tr. 536.
[2] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 52.
[3] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 1.372.
(Theo Tin tức)