Còn 129 người giữ chức vụ "hàm" đều được bổ nhiệm từ năm 2018 về trước
Đại diện bộ nêu rõ từ năm 2018, bộ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu không bổ nhiệm chức vụ hàm đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Từ đó đến nay, các bộ, ngành của Chính phủ không bổ nhiệm chức vụ "hàm" mà chỉ còn lại số rất ít được bổ nhiệm từ năm 2018 trở về trước.
Về số lượng cụ thể cán bộ, công chức còn giữ chức vụ "hàm", đại diện Bộ Nội vụ thông tin theo báo cáo tổng hợp hiện tại, các cơ quan của Đảng, đoàn thể và một số văn phòng ở trung ương còn 129 người giữ các chức vụ hàm. Tuy nhiên, đây đều là những người được bổ nhiệm từ năm 2018 về trước.
Liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách với các trường hợp này, đại diện Bộ Nội vụ chỉ rõ trong kết luận số 33 của Ban Bí thư đã nêu hướng dẫn cụ thể.
Trong đó, với cán bộ, công chức hiện đang giữ chức vụ "hàm" thì thực hiện như sau: Thời gian công tác còn dưới 5 năm thì giữ nguyên chức vụ hàm và chế độ, chính sách đến khi nghỉ hưu.
Thời gian công tác còn trên 5 năm thì khi hết thời hạn bổ nhiệm (5 năm từ ngày được bổ nhiệm) không bổ nhiệm lại chức vụ hàm mà xem xét, bố trí công tác phù hợp.
Với cán bộ, công chức đang giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương có thời gian công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định còn dưới 5 năm (60 tháng) do sắp xếp tổ chức bộ máy không tiếp tục bố trí làm vụ trưởng hoặc có nguyện vọng thôi công tác quản lý, điều hành thì xem xét bố trí công tác phù hợp và được bảo lưu chế độ, chính sách hiện hưởng cho đến khi nghỉ hưu.
"Có nơi vận dụng thái quá, có cả vấn đề tình cảm, nâng đỡ"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức trung ương) - cho biết chức vụ hàm không phải chức danh được quy định trong văn bản pháp luật, song việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ "hàm" đã có từ lâu.
Chẳng hạn một số cục, vụ sau khi sáp nhập chỉ có 1 cục, vụ trưởng, còn những người cũng từng là cục, vụ trưởng sẽ phải xuống làm cục hay vụ phó, trong khi họ đã làm nhiều năm, không vi phạm khuyết điểm, đồng thời cũng có người sắp nghỉ hưu. Do đó, để cán bộ đỡ thiệt thòi, giữ chế độ mới bổ nhiệm hàm cục, vụ trưởng.
Ngoài ra, một người đang là vụ trưởng nhưng sau đó chuyển công tác, làm thư ký cho lãnh đạo cấp cao. Trong khi chức danh thư ký thấp hơn chức danh vụ trưởng nên có thể bổ nhiệm hàm vụ trưởng để đảm bảo chế độ.
Hoặc có những vụ phó công tác lâu năm (có thể 8-10 năm) chuyên môn xuất sắc, đủ điều kiện nhưng chưa được đề bạt vụ trưởng thì cũng được bổ nhiệm hàm vụ trưởng để hưởng chế độ như vụ trưởng.
"Hàm vụ trưởng hay hàm cục trưởng chủ yếu để giữ chính sách, chế độ thôi, còn thực tế họ vẫn là vụ phó, cục phó, không có điều hành", ông Hà giải thích.
Tuy nhiên, nguyên vụ trưởng cơ sở Đảng cũng chỉ rõ thực tế, thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị lại vận dụng việc bổ nhiệm này một cách thái quá, thậm chí có cả vấn đề tình cảm, nâng đỡ...
Chưa kể, không chỉ hàm vụ trưởng, hàm cục trưởng mà còn hàm vụ phó, hàm cục phó, hàm trưởng phòng, thậm chí hàm phó phòng. Việc vận dụng này là không đúng, gây méo mó, phản cảm.
Hơn nữa, một số trường hợp đã được giải quyết trong khung lương rồi nhưng vẫn giữ hàm vụ trưởng là không ổn.
"Việc chấm dứt bổ nhiệm chức vụ hàm là đúng đắn, cần thiết nhưng cũng rất nhân văn, khi mở ra hướng cho anh em phấn đấu trở thành chuyên gia.
Kết luận này cũng nhằm quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ, đồng thời khắc phục những tiêu cực, việc vận dụng thái quá, méo mó chủ trương", ông Hà nhấn mạnh.
Bổ nhiệm chức vụ "hàm" có từ bao giờ?
Theo ông Nguyễn Đức Hà, dù không quy định trong luật nhưng việc bổ nhiệm chức vụ "hàm" có ít nhất khoảng 20 năm trở lại đây.
Người được bổ nhiệm chức vụ "hàm" không trực tiếp điều hành, quản lý đơn vị mà chỉ có thêm vị thế khi làm việc với đơn vị khác, đồng thời được hưởng chế độ, chính sách tương đương với "hàm". |
(Theo TTO)