Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có các đồng chí: Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố.
Cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã (69,4%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó: 663 xã đạt chuẩn NTN nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 255 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 15 đơn tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 5 tỉnh gồm Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Cả nước có 7.463 sản phẩm OCOP của 4.061 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao và 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 gồm 7 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình cả giai đoạn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 -1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm; 30 % huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo đặc biệt khó khăn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Yên Bái: Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả nổi bật
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, CTMTQG xây dựng NTM của tỉnh đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân. Hết năm 2021, tỉnh Yên Bái có 88/150 xã đạt chuẩn NTM, bằng 58,7% số xã toàn tỉnh, trong đó có 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 03 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.
Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả nổi bật, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 5,03%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh (02 huyện nghèo 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm). Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của Yên Bái từ 32,21% xuống còn 4,76% theo chuẩn nghèo cũ, đứng thứ 16 toàn quốc; theo chuẩn nghèo mới còn 18,07%.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong quá trình thực hiện, tỉnh Yên Bái nhận thấy muốn triển khai có hiệu quả các CTMTQG cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò và sự vào cuộc của UB MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của người dân.
Xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch, kịch bản cụ thể để thực hiện từng nội dung công việc, từng nhiệm vụ. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân nhất thay đổi nhận thức, chủ động triển khai không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tập trung huy động tối đa nguồn lực, lồng ghép, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chính sách của Trung ương vào điều kiện cụ thể của địa phương; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình cách làm hay để phát huy hiệu quả Chương trình.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các CTMTQG trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 vốn ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; các bộ, ngành trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình để các địa phương có cơ sở triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình.
Đồng chí cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phân bổ vốn thưởng cho các huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 (tỉnh Yên Bái có huyện Trấn Yên) để có thêm nguồn lực tiếp tục đầu tư nhằm củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn...
Tập trung cao phân cấp, trao quyền cho địa phương
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm
Bình Minh khẳng định, việc triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tập trung cao cho phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm
nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện
các CT MTQG. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia
vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các
chương trình.
Về nhiệm vụ giải pháp năm 2022, Phó Thủ tướng
Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập
trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: tổ chức quán triệt, tuyên truyền, tập
huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và đối tượng có
liên quan về các chương trình MTQG nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận
và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các CTMTQG.
Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG,
làm cơ sở để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch
triển khai, lựa chọn nội dung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bố trí
nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình.
Các địa phương
khẩn trương trình HĐND phê duyệt kế hoạch thực hiện các CTMTQG đoạn
2021 – 2025 để làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện năm 2022; triển khai các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các CTMTQG; khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu
quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm
nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các CTMTQG...
Đức Toàn