Dự và chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự buổi làm việc còn có các đồng chí trong Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc.
Nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục, dạy học linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) từ đầu nhiệm kỳ đến nay do Giám đốc Sở GD-ĐT Vương Văn Bằng trình bày cho biết: Thời gian qua, Sở đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như chỉ đạo về chuyên môn của Bộ GD-ĐT, có nhiều nỗ lực, sáng tạo, triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngành đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng bộ, đúng lộ trình; giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm; thực hiện tốt công tác phân luồng và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Hệ thống cơ sở vật chất ngành GD-ĐT tiếp tục được đầu tư có trọng tâm. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng mô hình thí điểm "Trường học hạnh phúc” được triển khai mạnh mẽ và trở thành phong trào sâu rộng trong toàn ngành, bước đầu đạt kết quả tích cực.
Toàn tỉnh hiện có 461 cơ sở giáo dục và dạy nghề. Riêng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 442 trườngvới quy mô 6.911 lớp, 225.711 học sinh mầm non, phổ thông. So với năm 2019, toàn tỉnh tăng 262 lớp, 10.178 học sinh. Tỷ lệ bình quân 32,7 học sinh/lớp, cao hơn trung bình toàn quốc 0,9 học sinh/lớp.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Văn Yên tham gia ý kiến tại buổi làm việc.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, toàn ngành và các cơ sở giáo dục đã có nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục, tổ chức dạy học linh hoạt bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến, giao bài, dạy các nội dung cốt lõi để hoàn thành nội dung chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học.
Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 29 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, tăng 3 giải, xếp thứ 6 trong 15 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành, tăng 8 bậc so với năm học trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 286 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 25 trường đạt chuẩn mức độ II; có 168 trường mầm non, phổ thông đăng ký triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc". Năm 2021, Sở GD- ĐT là một trong những đơn vị dẫn đầu Khối văn hoá - xã hội, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng trong thực hiện Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm.
Tại buổi làm việc, đạo phòng, ban thuộc Sở GD&ĐT, đại diện các trường THPT và lãnh đạo của 9 phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố đã báo cáo và trao đổi những nội dung còn vướng mắc trong công tác GD-ĐT tại cơ sở, đặc biệt là vấn đề biệt phái giáo viên, giáo viên hợp đồng, các chế độ ưu tiên dành cho học sinh bán trú ở xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới… Đồng thời, đề xuất những nội dung phát triển GD-ĐT trong thời gian tiếp theo.
Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi, giải đáp, định hướng các giải pháp để ngành GD-ĐT khắc phục tồn tại, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long đề nghị Sở GD-ĐT đẩy mạnh phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc" trong toàn ngành.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị ngành GD-ĐT tỉnh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển giáo dục thông minh.
Năng động, chủ động, sáng tạo, bứt phá trong tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành giáo dục đạt được trong thời gian qua. Đồng thời chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại như: vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục giữa vùng thấp với vùng cao; công tác phân luồng học sinh vượt kế hoạch nhưng chưa thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; việc thu hút giáo viên giỏi, chất lượng cao vào làm việc trong ngành còn hạn chế.
Nhấn mạnh quan điểm "GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” đồng thời xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành trong việc "nâng cao dân trí - đào tạo nhân lực - bồi dưỡng nhân tài”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tinh thần đổi mới tư duy, năng động, chủ động, sáng tạo, bứt phá, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành giáo dục đạt được trong thời gian vừa qua đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà ngành cần thực hiện trong thời gian tới.
Cùng với đó, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động trong toàn ngành và học sinh, sinh viên, góp phần thiết thực xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Đồng chí cũng yêu cầu ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách đã ban hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về lĩnh vực GD-ĐT, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch và đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từng năm để tổ chức thực hiện. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Tập trung chỉ đạo triển khai tích cực các mô hình thí điểm trường học chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm; mở rộng phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc”. Đồng thời, làm tốt công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy nhấn mạnh ngành cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Chương trình hành động số 56-CTr/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao với kết quả cao nhất.
Thanh Chi – Mạnh Cường