Dự buổi gặp mặt có đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và gần 80 doanh nghiêp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Lục Yên.
Tại Chương trình, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin nhanh về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên (ảnh trên).
Số doanh nghiệp hoạt động ổn định duy trì ở mức cao hơn
Theo đó, lũy kế 4 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn huyện có 253 doanh nghiệp có đăng ký sản xuất, kinh doanh, trong đó có 240 doanh nghiệp đang hoạt động và 13 doanh nghiệp ngừng hoạt động. So với năm 2021, số lượng doanh nghiệp tuy có giảm nhưng số doanh nghiệp hoạt động ổn định lại được duy trì ở mức cao hơn. Nhóm doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chiếm 60-70% tỷ trọng thu ngân sách.
Doanh thu của doanh nghiệp năm 2021 đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách 137 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm, doanh thu đạt 303 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách 40,1 tỷ đồng.
Tỉnh đã tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện; hỗ trợ thủ tục hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp từ hộ kinh doanh cá thể cho 09 doanh nghiệp đồng thời phối hợp thẩm định kinh phí hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị giá cước vận tải, giá
xăng dầu tăng cao tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp, HTX cũng đã đề xuất, kiến nghị với tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về giá tính thuế tận thu tài nguyên khoảng sản đá hoa trắng và cả khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông nguyên vật liệu, hàng hoá của doanh nghiệp hiện nay do giá xăng dầu tăng kéo theo giá cước vận tải (trong đó có giá cước vận tải biển) tăng cao, có thời điểm tăng 300%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX cũng đề nghị tỉnh xem xét giải quyết các thủ tục cho thuê đất, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường để doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp xây dựng cũng kiến nghị về việc giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao đã gây nhiêu khó khăn cho hoạt động, ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình trên địa bàn.
Ngoài ra, việc khó tiếp cận các nguồn vốn hoặc hạn mức vay vốn thấp để mở rộng sản xuất kinh doanh cũng là khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô nhỏ do tài sản đảm bảo thấp.
Lãnh đạo các sở, ngành trao đổi, trả lời các ý kiến nghị của
các doanh nghiệp.
Tại Chương trình, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cũng đã giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của doanh nghiệp và cam kết trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, các sở, ban, ngành luôn đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp, HTX phát triển. Với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, các sở, ban, ngành sẽ tổng hợp để báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc phát biểu tại buổi gặp
mặt
Đổi mới phương pháp, cách hoạt động "Ngày thứ 7 cùng doanh nghiệp” và chương trình "Cà phê doanh nhân”
Phát biểu kết luận tại buổi gặp mặt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc ghi nhận, đánh giá cao đánh giá cao và biểu dương những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư, hiệp hội đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái nói chung và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong năm qua. Đồng thời khẳng định những đóng góp, kiến nghị của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Lục Yên sẽ giúp tỉnh nắm bắt được tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh sau hơn 1 năm không thể tổ chức gặp mặt định kỳ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp, HTX, doanh nhân, nhà đầu tư, các hiệp hội có vai trò rất quan trọng, là hạt nhân phát triển kinh tế, là nhân tố đóng góp tích cực để tỉnh hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh, để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra với phương châm "chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân”, UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, doanh nhân, nỗ lực tối đa tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Đối với các sở, ban, ngành và các địa phương, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần khẩn trương hoàn thành các nghị quyết, đề án, chính sách về hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Qua đây, lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, có hiệu quả việc cải cách hành chính, quy chế văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Cùng với đó, đổi mới phương pháp, cách làm đối với hoạt động "Ngày thứ 7 cùng doanh nghiệp” và chương trình "Cà phê doanh nhân” nhằm tăng cường kết nối giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả đối thoại, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị.
Cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân, HTX, hiệp hội cần tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh gắn với những lĩnh vực, sản phẩm có nhiều tiềm năng, thế mạnh, được ưu tiên phát triển của tỉnh.
Song song với đó, luôn phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm; quan tâm, chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ổn định việc làm cho công nhân và người lao động.
Đức Toàn