Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Yên Bái làm Tổ trưởng Tổ thảo luận.
Phát biểu thảo luận về Luật Thanh tra sửa đổi, đại biểu Đỗ Đức Duy thống nhất với phương án duy trì tổ chức thanh tra cấp huyện. Đại biểu cho rằng, thanh tra là một trong các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, kể các theo ngành lĩnh vực và theo lãnh thổ hành chính.
Đối với UBND cấp huyện hiện nay, theo phân cấp thì phạm vi và thẩm quyền quản lý nhà nước rất lớn ở địa phương. Nếu như chúng ta không tổ chức thanh tra cấp huyện thì sẽ thiếu công cụ để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng của quản lý nhà nước, đó là ban hành thể chế chính sách, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra - thanh tra việc thực hiện.
Nêu trường hợp của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải kiểm tra, thậm trí thanh tra để xác minh lại vụ việc, đại biểu Duy khẳng định, có những nhiệm vụ nếu không có tổ chức thanh tra cấp huyện thì sẽ rất khó khăn cho UBND và chủ tịch UBND cấp huyện.
Đại biểu cho rằng nên duy trì thanh tra cấp huyện, bởi đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa như ở các tỉnh miền núi, không phải lúc nào cũng tổ chức được các đoàn công tác từ tỉnh xuống huyện giải quyết. Đôi khi, các vụ việc chỉ cần một thanh tra viên hoặc một nhóm đi điều tra, xác minh thôi, nếu tổ chức thanh tra của cấp tỉnh thực hiện thay cho cấp huyện thì sẽ phát sinh nhiều bất cập.
Về nội dung thành lập thanh tra tổng cục và cục, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, Luật Thanh tra 2010 không quy định cụ thể nội dung này, nhưng sau đó nghị định của Chính phủ có quy định các cục và tổng cục được tổ chức thanh tra chuyên ngành.
Đại biểu Duy bày tỏ quan điểm, mỗi một bộ chỉ nên tổ chức một cơ quan thanh tra. Trừ những tổng cục có phạm vi quan lý lớn, tổ chức theo ngành dọc đến các địa phương và nội dung quản lý có tính chất chuyên môn chuyên sâu như Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Thuế thì nên có thanh tra chuyên ngành, còn với cục thì hết sức cân nhắc.
Về thanh tra sở, đại biểu Duy thống nhất quan điểm, không nhất thiết sở nào cũng phải tổ chức thanh tra chuyên ngành. Luật Thanh tra 2010 và các thông tư hướng dẫn đều quy định thanh tra là tổ chức cứng trong các sở, nhưng thực tiễn địa phương cho thấy, có nhiều ngành thành lập ra tổ chức thanh tra nhưng không có đối tượng thanh tra.
"Như địa phương chúng tôi, khi thực hiện Nghị quyết 18, 19 thì nhiều sở, ngành chúng tôi không tổ chức thanh tra sở nữa mà chỉ có một số công chức thanh tra biên chế trong văn phòng sở. Trong trường hợp cần thiết thì thành lập các đoàn thanh tra bao gồm các công chức thanh tra và thanh tra viên và trưng tập thêm cán bộ chuyên môn khác” - đại biểu Duy nêu cách làm của Yên Bái và đồng tình với quan điểm đưa về cho UBND cấp tỉnh tùy tình hình địa phương để quyết định thành lập hay không thành lập thanh tra cấp sở.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Đối với hình thức, trình tự tổ chức thanh tra, đại biểu Duy cho rằng nên phân định rõ ràng các cuộc thanh tra hành chính và các cuộc thanh tra chuyên ngành từ trình tự, thủ tục, phạm vi, đối tượng.
Về kết luận thanh tra, đại biểu thống nhất nên có chế tài để đảm bảo báo cáo thanh tra, kết luận thanh tra ban hành trong thời hạn quy định để tránh kéo dài, ảnh hưởng đến đối tượng thanh tra trong khắc phục và thực hiện các kết luận thanh tra, đôi khi ảnh hưởng đến tâm lý, tâm trạng của đối tượng thanh tra. Trong trường hợp không thực hiện đúng thì cũng phải có chế tài nào đó đối với các cơ quan thanh tra, các đoàn thanh tra.
Về mối quan hệ thanh tra, để tránh chồng chéo, đại biểu đồng tình cao là đưa nội dung này vào quy định trong luật, đồng thời đề nghị mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh; không chỉ là xử lý chồng chéo mà còn là xử lý trùng lắp trong hoạt động thanh tra; xử lý chồng chéo trong quá trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra cần quy định cho rõ.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trong xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa thanh tra và kiểm toán. Thống nhất với ý kiến một số đại biểu, đại biểu cho rằng nên chăng có quy định là đối với Thanh tra nhà nước nên xây dựng kế hoạch hằng năm thay vì chỉ có định hướng để thuận lợi cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp, đối tượng thanh tra được chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra.
Tham gia Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng đối với khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là tiếp cận bình đẳng giữa cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập; về lĩnh vực hành nghề khám chữa bệnh, cần có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề dựa trên 3 yếu tố: năng lực hành nghề, đạo đức hành nghề và sức khỏe hành nghề với việc sử dụng các hội đồng y khoa đánh giá năng lực, sau đó các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp sẽ cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời nên đề cập vào luật về xã hội hóa trong khám chữa bệnh theo hướng những hoạt động nào thì được xã hội hóa, các phương thức và hình thức xã hội hóa...
Đại biểu Khang Thị Mào đề nghị làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng tham gia thảo luận ở tổ chiều 26/5, ĐBQH Yên Bái Khang Thị Mào khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; xem xét bổ sung quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối tượng người nghèo đặc biệt khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo...
Quang Tuấn - Hoàng Sâm