Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước. Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các sở, ngành của tỉnh.
Tại Hội nghị, hơn 1.600 câu hỏi của nông dân cả nước đã được gửi tới Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo 10 bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại, trả lời 14 câu hỏi, nhóm câu hỏi của nông dân và của đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
Trả lời câu hỏi của nông dân về chính sách biện pháp để bình ổn giá vật tư đầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã rất cố gắng để kiềm chế tốc độ tăng giá của vật tư nông nghiệp trong nước. Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp để yêu cầu chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tối đa tiêu thụ tại thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng là vật tư có tính chiến lược.
Đặc biệt, chúng ta cũng đã nghiên cứu những chính sách có thể điều chỉnh thuế, phí. Trong tình huống giá cả tiếp tục leo thang thì còn một công cụ nữa là đề xuất cấp có thẩm quyền việc trợ giá đối với một số vật tư để bớt khó khăn cho người nông dân.
Liên quan tới giải quyết hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Các cơ quan đã triển khai tích cực và Thủ tướng đã chỉ đạo trực tiếp, giao thiệp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, lập tổ công tác do lãnh đạo Bộ Công Thương đứng đầu, chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với các tỉnh biên giới của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn ta đã đề ra.
Chính sách chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau và thị trường Trung Quốc cũng không còn là thị trường dễ tính nữa, họ kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định về các vấn đề khác cũng chặt chẽ hơn.
Chúng ta cần có giải pháp trước mắt để giải quyết vấn đề trước mắt, đồng thời có giải pháp lâu dài. Chúng ta cần thời gian quá độ để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, điều này cần sự vào cuộc tích cực của cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân.
Trả lời câu hỏi của nông dân về giải pháp của chính phủ kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai đúng các quy định của pháp luật, người đứng đầu Chính phủ cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm việc rất tích cực, Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm…
Với vấn đề đất đai, vừa phải có giải pháp xử lý các vấn đề tình thế vừa phải có giải pháp lâu dài. Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng…
Cuộc đối thoại cũng tập trung thảo luận những vấn đề lớn như: thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp; về vốn, tín dụng, môi trường nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; di cư lao động từ nông thôn; tình trạng biến đổi khí hậu; nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, phát triển và giữ rừng, công tác khao học- công nghệ với nghiên cứu giống…
Phát biểu kết luận sau đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của các đại diện nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp, đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.
Thủ tướng đề nghị, ngoài câu hỏi tại các hội nghị đối thoại thường niên Thủ tướng Chính phủ với nông dân, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tổ chức đối thoại với nông dân vào giữa hai kỳ đối thoại của Thủ tướng để phân cấp, giải quyết các vấn đề liên quan nông thôn, nông nghiệp, nông dân kịp thời, phù hợp với địa phương. Đồng thời đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng…
Văn Thông