Sáu bài học kinh nghiệm từ việc sắp xếp đơn vị hành chính

  • Cập nhật: Chủ nhật, 5/6/2022 | 7:52:12 AM

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã nêu ra 6 bài học kinh nghiệm được rút ra từ việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, làm cơ sở cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn tới...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

PV: Thưa bộ trưởng, thực hiện chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật nhất của công tác này?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp. 

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 và UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 12-1-2021). 

Quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn này đã tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các địa bàn thực hiện sắp xếp và nhân dân địa phương. Đến nay, tại 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện thực hiện đã hoàn thành công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 với các kết quả nổi bật như sau:

- Thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, theo đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã; giảm 706 cán bộ, công chức cấp huyện, 9.694 cán bộ, công chức cấp xã và 8.448 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

- Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất tại các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC.

- Các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đã sớm ổn định tổ chức trước khi diễn ra Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, các địa phương đã tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, lựa chọn trung tâm hành chính của ĐVHC mới; thực hiện việc thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi các loại giấy tờ của tổ chức doanh nghiệp, người dân kịp thời, đúng quy định.


Thành phố Hạ Long sau sắp xếp đã mở rộng được không gian phát triển. Ảnh: TRUNG NGUYÊN 

PV: Đồng chí có thể cho biết những bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 2019-2021 để việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn sắp tới đạt kết quả cao hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Sau hơn hai năm thực hiện các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 cho thấy những bài học kinh nghiệm quý trong thực hiện sắp xếp ĐVHC các cấp giai đoạn vừa qua đạt kết quả và hiệu quả cao, làm cơ sở cho việc sắp xếp giai đoạn 2022-2030. Đó là:

Thứ nhất, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị có định hướng chỉ đạo rõ từ sớm; các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương kịp thời ban hành chính sách, pháp luật và hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất. Sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành và sự vào cuộc với quyết tâm, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; đồng thời phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát và xây dựng các phương án sắp xếp ĐVHC ở từng địa phương.

Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích chung của quốc gia và mỗi địa phương trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.

Thứ ba, quá trình rà soát, đánh giá thực trạng ĐVHC trên từng địa bàn, lập phương án sắp xếp ĐVHC ở từng địa phương và dự kiến phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã khi thực hiện sắp xếp phải được tiến hành khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, phải được chuẩn bị kỹ và sớm; bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động, ảnh hưởng của việc sắp xếp ĐVHC.

Thứ tư, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, nhất là những người trực tiếp bị ảnh hưởng khi sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế phải kịp thời, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đồng thời phải có chính sách hỗ trợ phù hợp với cán bộ, công chức tự nguyện thôi việc, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu; chính sách đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực... để tạo động lực, khuyến khích thực hiện sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC.

Thứ năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện sắp xếp ĐVHC phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bảo đảm kịp thời tháo gỡ, giải quyết ngay các vướng mắc, khó khăn, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Thứ sáu, việc sắp xếp ĐVHC không chỉ tính đến việc sắp xếp, sáp nhập để giảm số lượng ĐVHC, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, mà còn phải tính đến việc tạo không gian phát triển mới cho các ĐVHC, chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, bảo đảm chất lượng phát triển tại các đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị của chính quyền địa phương sau sắp xếp.

PV: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tiến tới sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh. Đồng chí có thể cho biết, kế hoạch sắp xếp ĐVHC sắp tới như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp”. 

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng đã tham mưu, giúp Chính phủ trình UBTVQH báo cáo tổng kết sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14; dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của UBTVQH về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC và Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của UBTVQH về phân loại đô thị. 

Trên cơ sở nghị quyết của UBTVQH và kết quả giám sát của UBTVQH về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương nghiên cứu trình Chính phủ để trình UBTVQH dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét các định hướng cụ thể về sắp xếp ĐVHC các cấp giai đoạn tới. 

Sau khi UBTVQH thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và căn cứ những định hướng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ sẽ kịp thời thông tin các nội dung cụ thể về lộ trình sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2030 đến quý báo.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(Theo QĐND)

Các tin khác

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Chu Ngọc Anh và đồng chí Nguyễn Thanh Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022

Sáng ngày 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Khách quốc tế đến Hà Nội - Ảnh: TTXVN

Theo dữ liệu Chỉ số Phục hồi COVID-19 (COVID-19 Recovery Index) mà Nikkei công bố cho tháng 5, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14. Nikkei cũng lưu ý, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.

Tư vấn nghề và chế độ cho người lao động trong Khu công nghiệp phía Nam Yên Bái

Trong 4 tháng đầu năm 2022, tỉnh Yên Bái đã giải quyết việc làm cho 8.050 lao động, đạt 41,30% kế hoạch, trong đó từ chương trình phát triển kinh tế xã hội 4.328 người, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 590 người, xuất khẩu lao động 08 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài 3.124 người, qua đó góp phần duy trì ổn định kinh tế - xã hội địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục