Ngày 16/6/1967, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 426/QĐ về việc thành lập Phòng theo dõi phong trào bảo vệ trị an và xây dựng lực lượng công an xã gọi tắt là Phòng theo dõi xã.
Đây là tổ chức chuyên trách đầu tiên trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công an, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo lực lượng công an các cấp thực hiện phương hướng, nội dung, biện pháp vận động nhân dân tích cực tham gia Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ)”, đấu tranh chống mọi âm mưu hoạt động của bọn phản cách mạng, các loại tội phạm khác và chỉ đạo việc xây dựng lực lượng công an xã.
Ngày 16/7/2007, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 916 xác định ngày 16/6 hàng năm là Ngày truyền thống của lực lượng xây dựng Phong trào BVANTQ.
Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng xây dựng đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo công an và cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, cơ bản, chiến lược, tạo sự chuyển biến tích cực về công tác vận động toàn dân BVANTQ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.
Phát huy truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng và trưởng thành, những năm tới, lực lượng xây dựng Phong trào "Toàn dân BVANTQ” trong toàn quốc tập trung tham mưu phục vụ thủ trưởng công an các cấp chỉ đạo thực hiện tốt các công tác trọng tâm như: làm tốt công tác tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành đối với Phong trào "Toàn dân BVANTQ”; đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng Phong trào gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân về Phong trào "Toàn dân BVANTQ”, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy tắc về bảo vệ an ninh trật tự (ANTT); các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội; tuyên truyền để nhân dân nắm được quyền và nghĩa vụ công dân trên lĩnh vực bảo vệ ANTT, từ đó tự nguyện, tự giác tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT.
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng Phong trào "Toàn dân BVANTQ” phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng khu vực, lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, các chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý, phòng, chống buôn bán người; phát hiện tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; tham gia quản lý nhà nước về ANTT.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng xây dựng Phong trào BVANTQ luôn tự hào về truyền thống vẻ vang và khắc phục khó khăn, đề cao trách nhiệm, ra sức rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Yên Bái là một trong những địa phương phát triển sâu rộng Phong trào "Toàn dân BVANTQ”. Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân đều phát huy vai trò trách nhiệm và tích cực, chủ động phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, công an các đơn vị đã tiếp tục tăng cường. Các đơn vị đã lựa chọn 82 địa bàn (55 địa bàn xã, phường, thị trấn; 27 địa bàn cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường) đưa vào vận động tập trung. Đến hết ngày 14/5/2022, toàn tỉnh có 53/82 địa bàn đã tổ chức phát động tập trung, bằng 64,6% kế hoạch đề ra.
Qua Phong trào "Toàn dân BVANTQ”, các đơn vị đã phối hợp tổ chức 1.026 buổi học tập tuyên truyền với 78.892 lượt người tham gia học tập, ký cam kết thực hiện các nội quy về đảm bảo ANTT tại cơ sở. Qua các buổi học tập, quần chúng nhân dân đã cung cấp 820 nguồn tin; trong đó, có 317 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an làm rõ 116 vụ việc, xử lý 111 lượt người vi phạm, qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở và tích cực tham gia cộng tác với lực lượng công an trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Phong trào "Toàn dân BVANTQ”.
Đến nay, toàn tỉnh có 856 mô hình (trong đó, 322 mô hình trong nhà trường; 534 mô hình cấp huyện, cấp xã) hoạt động hiệu quả. Lực lượng công an các cấp đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành các chủ trương, kế hoạch đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự theo tiêu chí 19.2 "Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Lê Phiên